Con bị xâm hại mà bố mẹ thờ ơ
Chị N.T.L kể, mẹ là một bác sỹ “rất tốt bụng, hay đi cứu người” nhưng lại không có thời gian để gần gũi với con, không biết rằng con mình đã bị xâm hại tình dục. Từ hồi cấp 3, tôi đã bị xâm hại. Ngày đó, cứ cuối tuần không đi học thêm tôi lên trên nhà bác cách nhà khoảng 2-3km để lấy hoa quả về. Bác cứ kéo lại và kéo tôi vào chỗ tối...
“Còn nhỏ cũng chưa biết đấy là đang bị xâm hại, tôi chỉ thấy sợ sợ và tìm mọi cách cố chạy thoát. Nhưng bác vẫn kéo bằng được và sờ khắp cơ thể của tôi. Khi về nhà tôi rất sợ, gọi mãi bố mẹ ơi về đi trong nước mắt mà bố mẹ vẫn không về. Vậy mà bố mẹ về, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày mà không để ý đến tôi. Ngày nào bố mẹ cũng đi trực đến 1 - 2 giờ sáng, mẹ không bao giờ tâm sự với tôi. Nhiều khi tôi cảm thấy tại sao bố mẹ thương người khác như thế mà không thương con”, chị L chia sẻ.
|
Ảnh minh họa. |
Sự thiếu quan tâm của bố mẹ, chị L đã quyết định giấu kín chuyện mình bị xâm hại và sống khép mình trong vỏ ốc và luôn tự trách bản thân. Vậy nhưng, bố mẹ cũng không hay biết sự thay đổi của chị. Chị L cho biết, đến giờ rất ngại tiếp xúc hay nắm tay với các bạn. Chị cũng không có nhiều bạn thân và sợ tất cả mọi người xung quanh.
Một nạn nhân khác chia sẻ, cô từng bị xâm hại tình dục nhiều lần đến mức tự hủy hoại bản thân mình, thậm chí nhiều lần tìm đến cái chết vì không thể tìm cách giải thoát. Vậy nhưng khi chia sẻ với bố mẹ, gia đình lại không tin.
Chị đau đớn kể lại: “Bị bạn học cưỡng hiếp, tôi có kể với bố mẹ thì bố mẹ mắng cho rằng tôi nói dối. Bố mẹ không quan tâm, tôi càng sợ hơn khi biết mình có thai. Tôi từng ngồi trên ban công và nghĩ nếu nhảy xuống đó hay phi xe bạt mạng ngoài đường, tôi có thể kết thúc mọi thứ hay không. Nhưng tôi lại sợ, nếu mình không thể chết mà tàn phế suốt đời thì còn khốn khổ hơn nữa. Thời điểm trầm cảm nhất, tôi đã đun nước sôi để dội vào bụng, vào tay chân. Suy nghĩ duy nhất lúc đó là khiến mình trở nên xấu xí, như vậy sẽ không ai nhận ra, cũng không ai quấy rối mình nữa. Đến khi đi làm, tôi sợ và luôn co mình lại một góc, không giao tiếp với bất cứ ai”.
Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh nếu có quan tâm đến việc con bị xâm hại tình dục của con cũng chỉ nửa vời, thiếu kỹ năng kiến thức trao đổi. Nhiều vụ việc trẻ bị xâm hại khi gia đình biết còn cố im lặng, giấu vì sợ “mang tiếng”. Có trường hợp bố xâm hại hai con gái trong nhiều năm, gia đình và mẹ biết nhưng không tố cáo. Đến khi cô con gái 17 tuổi, một lần cùng bố đi đám cưới trên thành phố mới trốn được ra ngoài và đi báo với công an phường. Hay trường hợp ông hàng xóm xâm hại hai cháu bé nhưng bố mẹ cháu giấu, hội phụ nữ phải thuyết phục mãi mới đứng ra tố giác và ông ta đã bị bắt.
Trẻ cần được bảo vệ từ gia đình
Bà Lê Kim Hằng, Tổ chức Plan Việt Nam chia sẻ tại “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mô hình giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức mới đây, cha mẹ có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Bởi họ chính là người yêu thương, chăm sóc và là người quan trọng nhất trong giai đoạn đầu đời, là bạn và là người thầy giáo đầu tiên của trẻ, là người hỗ trợ/hướng dẫn trẻ thực hiện các qui tắc ứng xử, kỷ luật tích cực để trở thành công dân có ích. Cha mẹ được giáo dục sẽ giúp họ quan tâm đến vai trò của mình và hướng tới cải thiện kỹ năng làm cha mẹ tốt hơn.
Để phòng ngừa nạn xâm hại trẻ em thì vai trò, trách nhiệm của cha mẹ vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Cha mẹ cần sát cánh bên con cái. Trong gia đình, cha mẹ có bổn phận thương yêu, chăm sóc và quan trọng nhất là phải bảo vệ con mình cũng như hướng dẫn trẻ cách ngăn ngừa hành vi xâm hại, tự bảo vệ bản thân.
Các chuyên gia cho rằng, có một thực tế là khi các con đối diện với hành vi xâm hại tình dục, các con tâm sự với cha mẹ thì nhiều người coi chuyện đó là chuyện bình thường và phớt lờ đi. Đây chính là rủi ro lớn đối với trẻ. Trẻ nhỏ dễ dẫn đến nhận thức hành vi như vậy là bình thường và chấp nhận nó. Sang chấn tâm lý với trẻ cũng nặng nề hơn. Bởi sau những cú sốc, bạo lực, hậu quả là không chỉ gây ra những tổn thương về thể chất mà còn là những ám ảnh tinh thần. Nỗi đau ấy có khi trẻ phải mang theo đến hết cuộc đời.
Các chuyên gia nhấn mạnh, trước hết cha mẹ phải giáo dục cho trẻ biết rằng, cơ thể mình là “tài sản vô giá” không ai được phép đụng vào. Hãy trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết về giới tính, tình dục từ sớm, kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình. Khi được quan tâm đúng mức và có trong tay các kỹ năng cần thiết, trẻ sẽ biết cách bảo vệ bản thân và chủ động hơn trong cuộc sống. Trên thực tế cha mẹ hay thầy cô không thể bảo vệ các con suốt 24 giờ. Người duy nhất có thể bảo vệ được trẻ là chính bản thân các em.
Theo Hà My/Giadinh.net