Từ câu chuyện đau lòng này, PV Em đẹp đã có cuộc trao đổi với thầy Lương Dũng Nhân, Phó Giám đốc Đào tạo, Huấn luyện Trung tâm đào tạo Tài năng trẻ Châu Á Thái Bình Dương A.T.Y về các dấu hiệu nhận biết trẻ bị xâm hại tình dục, cách phòng tránh.
|
Ảnh minh họa. |
PV: Đã từng xuất hiện nhiều sự việc đau lòng về việc xâm hại tình dục trẻ em, vậy theo thầy việc trẻ em bị dâm ô chúng sẽ phải đón nhận những tổn thương tâm lý ra sao?
Thầy Lương Dũng Nhân: Những trẻ em bị dâm ô, bên cạnh tổn thương về cơ thể sẽ có những diễn biến tâm lý phức tạp và nguy hiểm, nhẹ thì nạn nhân sẽ có những nỗi sợ, ám ảnh, những kích động khi gặp phải điều kích thích, gợi về các ký ức trên. Còn nặng hơn sẽ có những sang chấn tâm lý khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, đánh mất giá trị bản thân, mất niềm tin vào cuộc sống và mọi người xung quanh, thậm chí là trốn tránh tiếp xúc xã hội, trở nên trầm cảm. Những hiệu ứng này nếu không được can thiệp, hỗ trợ kịp thời có thể sẽ chuyển thành vấn đề tâm lý lâu dài, ảnh hưởng đến cuộc sống trưởng thành sau này của nạn nhân.
Thầy Lương Dũng Nhân: Theo tôi, có 4 khía cạnh cần lưu ý: Thứ nhất là khả năng nhận biết và kể lại những vấn đề xấu ngay lập tức của các bạn nhỏ. Thứ hai là sự quan tâm và sâu sát hơn của ba mẹ, thầy cô, những người lớn trong môi trường xung quanh trẻ nhỏ, khi thấy có bất kỳ dấu hiệu khả nghi nào phải tìm hiểu ngay và kỹ càng. Thứ ba là việc hỗ trợ của những phương tiện kỹ thuật như camera quan sát ở những môi trường có nhiều trẻ em, và cuối cùng là hệ thống chế tài nghiêm khắc hơn của pháp luật đối với những hành vi ấu dâm.
Khi chúng ta tạo ra một môi trường mà kẻ ấu dâm khó có cơ hội thực hiện hành vi, luôn cảm thấy lo lắng bị phát hiện và bị trừng phạt nghiêm khắc, chúng ta sẽ ngăn chặn được những hành vi xấu này ngay từ trước khi phát sinh, chứ không phải chờ đến lúc sự việc xảy ra rồi mới phát hiện và xử lý. Vì khi đó dù nặng hay nhẹ thì cũng đã có trẻ bị tổn thương, điều mà chẳng ai trong chúng ta mong muốn cả.
PV: Theo thầy, cách phòng chống đối với những “yêu râu xanh” cho trẻ như thế nào?
Thầy Lương Dũng Nhân: Theo tôi, biện pháp căn cơ nhất là cần giúp trẻ biết được những hành động nào gây hại cho mình, và giúp trẻ có thói quen kể lại cho ba mẹ, người thân ngay lập tức. Vì với những trẻ quá nhỏ, việc tự phòng vệ trước những “yêu râu xanh trưởng thành” là điều hầu như hoàn toàn không thể. Những vụ việc đã diễn ra cho thấy một xu hướng tâm lý chung là, trẻ sau khi bị lạm dụng đều bị kẻ xấu đe dọa, không dám kể lại cho ai, từ đó tạo điều kiện cho kẻ xấu tiếp tục hành vi tội lỗi của mình.
Bố mẹ cũng cần thường xuyên trò chuyện, nắm bắt cuộc sống hàng ngày của con ở trường, ở các nơi và cảm nhận được những dấu hiệu lạ về cơ thể, tâm lý, ứng xử của con để nhận biết vấn đề một cách sớm nhất và xử lý, hỗ trợ trẻ kịp thời.
Đến khi trẻ lớn hơn một chút, cần tập cho trẻ thói quen phản kháng, cầu cứu tức thời khi có điều xấu xảy đến với mình. Tôi cũng lưu ý là những hành động này cần được rèn luyện, nhắc lại thường xuyên để giúp trẻ hình thành phản xạ, chứ không phải chỉ dạy một hai lần là trẻ có thể thực hiện được khi có tình huống xảy ra.
PV: Theo thầy, nhà trường có cần đưa những tiết học dạy kỹ năng cho trẻ ngay trên lớp?
Thầy Lương Dũng Nhân: Đây là điều tôi đã đề cập ở trên, chỉ có môi trường nhà trường mới có đủ điều kiện để đưa những kỹ năng phòng vệ này trở thành nội dung học định kỳ và lâu dài, căn cơ và bài bản cho học trò. Chính vì vậy, tôi rất mong nhà trường có thể dành thêm thời gian hướng dẫn những kỹ năng hữu ích này dành cho trẻ, và những bài học phải mang tính thực hành, thực tế, không chỉ là lý thuyết hay học thuộc lòng. Những điều dạy cho trẻ phải phù hợp với đặc trưng nơi trẻ sống, đảm bảo trẻ có thể thực hiện được trong điều kiện của mình.
PV: Xin cảm ơn chia sẻ của thầy!
Theo Thanh Hoa/ Emdep