Tử vong vì chủ quan
Hiện tại, dịch sốt xuất huyết trên cả nước đang vào mùa cao điểm, 63 tỉnh thành đã ghi nhận hơn 125.000 ca mắc, trong đó đã có 15 trường hợp tử vong, riêng TP.HCM có 7 trường hợp.
Đáng lưu ý, hầu hết trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là những người còn rất trẻ, nguyên nhân do chủ quan. Mới nhất, BV Trưng Vương, TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân Lưu Minh P., 37 tuổi vào viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu dữ dội, mất tri giác.
Sau chụp CT, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị xuất huyết não do sốt xuất huyết. Dù được cấp cứu tích cực nhưng do tiểu cầu xuống thấp, não chảy máu không ngừng nên bệnh nhân không qua khỏi sau 48 giờ nhập viện.
Gia đình cho biết, trước đó anh P. hoàn toàn khoẻ mạnh, nên khi thấy người mệt mỏi kèm sốt, anh chủ quan nghĩ cảm sốt thông thường, không đi khám, hàng ngày vẫn cố đến cơ quan làm việc, đến khi không chịu nổi mới đến BV.
|
Các biểu điện ban đầu của sốt xuất huyết khá giống với sốt virus, do đó nhiều người chủ quan |
Tại Đắk Lắk, số ca mắc sốt xuất huyết thời điểm hiện tại đã tăng gấp 15 lần so với 2018, trong đó ghi nhận 2 ca tử vong đều có tuổi đời còn rất trẻ.
Trường hợp anh Hoàng Đình B., 25 tuổi ở huyện Cư M’gar bị sốt cao kèm mệt mỏi, ăn uống kém, buồn nôn 3 hôm liên tiếp nhưng không đi khám, đến ngày thứ 4, khi thấy tình trạng nặng lên, gia đình mới đưa đến cơ sở y tế tư nhân điều trị nhưng không đỡ.
Đến ngày thứ 6, bệnh nhân được chuyển tiếp đến BV đa khoa vùng Tây Nguyên, bác sĩ chẩn đoán bện nhân bị sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm mạnh gây chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, không bắt được mạch quay...
2 ngày kế tiếp, tình trạng bệnh nhân B. tiếp tục nặng thêm và tử vong vào tối 28/7 do suy đa tạng.
Cùng khoảng thời gian này, tại Đắk Lắk ghi nhận trường hợp bé gái Nguyễn Thị Khánh L., 15 tuổi tử vong vì sốt xuất huyết.
Trường hợp cháu L. để ở nhà quá muộn, khi vào viện được xác định sốt xuất huyết ngày thứ 7 kèm suy đa phủ tạng nên chỉ chưa đầy sau 12 giờ nhập viện, cháu đã tử vong.
Có 6 dấu hiệu sau cần nhập viện ngay
BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, trong những ngày đầu tiên mắc sốt xuất huyết, biểu hiện sốt khá giống với các bệnh sốt do virus cấp tính.
Người bệnh thường sốt cao liên tục, khi dùng hạ sốt có thể lui sốt nhưng lại có thể sốt tăng trở lại nhanh chóng sau 3 - 4 tiếng.
Có 3 xét nghiệm để chẩn đoán sốt xuất huyết, tuy nhiên người bệnh và bác sĩ phải chọn đúng loại xét nghiệm, nếu không có thể bị chẩn đoán nhầm.
Thứ nhất là xét nghiệm NS1 được chỉ định làm từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 3 của bệnh.
Lưu ý, từ cuối ngày thứ 3 trở đi, mặc dù người bệnh bị sốt xuất huyết thực sự nhưng xét nghiệm này có thể âm tính. Vì xét nghiệm này xác định kháng nguyên của virus. Giai đoạn sau 3 ngày, nồng độ kháng nguyên virus trong máu đã giảm thấp nên đôi khi xét nghiệm trở thành âm tính.
Thứ hai là xét nghiệm kháng thể IgM được chỉ định từ ngày thứ 6 trở đi. Xét nghiệm này xác định kháng thể của cơ thể người bệnh chống lại virus trong giai đoạn cấp tính. Tùy thuộc mức độ sinh kháng thể của từng người mà xét nghiệm này có dương tính hay không.
Với 2 xét nghiệm trên, có một giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5, dù người bệnh bị sốt xuất huyết thực sự nhưng khi xét nghiệm vẫn âm tính. Thực tế, đã ghi nhận trường hợp làm xét nghiệm sốt xuất huyết đến 2 lần vào ngày thứ 2 và thứ 5 vẫn âm tính (dù đang mắc), và đến ngày thứ 9 thì phát hiện chảy máu ồ ạt do tiểu cầu xuống thấp.
Thứ 3 là xét nghiệm kháng thể IgG để xác định kháng thể của cơ thể người bệnh bảo vệ lâu dài. Xét nghiệm này chỉ xác định rằng người bệnh từng bị nhiễm virus Dengue, nên không dùng để chẩn đoán trong trường hợp sốt cấp tính.
Theo BS Cấp, có 2 biến chứng sốt xuất huyết hay gặp là hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Trong đó biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Do đó nhiều người khoẻ mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt.
Ngược lại, biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24-48 giờ.
Cả hai biến chứng này đều gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, biến chứng chảy máu thường dễ nhận biết và ít khi bị bỏ qua, biến chứng còn lại khó tự nhận biết, thậm chí đến giai đoạn sốc người bệnh mới tự phát hiện ra.
Do đó, nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo các biến chứng trên là điều rất quan trọng.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy đưa ngay người bệnh tới BV gần nhất:
- Chảy máu: Xuất hiện các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều bất thường/chảy máu âm đạo.
- Nôn liên tục
- Đau bụng dữ dội
- Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật
- Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm
- Khó thở
Ngoài ra, nếu bệnh nhân có tình trạng sốt cao liên tục không kiểm soát được bằng các thuốc hạ sốt thông thường cũng nên đến bệnh viện để được xử trí càng sớm càng tốt. Các trường hợp có tiểu cầu hạ xuống dưới 50.000 cũng cần vào viện để theo dõi, tránh nguy cơ chảy máu, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng.
Theo Thúy Hạnh/ Vietnamnet