Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 96.002 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong. Các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết được ghi nhận tại tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương. So với cùng kỳ năm 2018 (30.263 trường hợp mắc/9 trường hợp tử vong) số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng 3,2 lần.
Trước tình hình gia tăng số ca mắc và diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Các bác sĩ khuyến cáo, mỗi người dân cần có biện pháp ứng phó và phòng tránh bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, khi mắc bệnh không tự ý điều trị.
Hiện nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng ngừa hiệu quả. Hiện tại cũng chưa có bất cứ loại thuốc hay phương pháp điều trị nào đặc hiệu với căn bệnh này, việc điều trị chủ yếu theo dõi và chăm sóc cũng như hỗ trợ các chức năng cần thiết cho cơ thể.
Giai đoạn 1:
Đầu tiên là giai đoạn sốt, trong 1 hoặc 2 ngày đầu, người bệnh bị sốt cao một cách đột ngột, nhiệt độ cơ thể có thể lên đến 39 - 40 độ C. Trong giai đoạn này, các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường.
Nếu có nghi ngờ bị mắc sốt xuất huyết, cần phải đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để làm xét nghiệm Dengue NS1 Ag ngay. Nếu nhận kết quả dương tính thì chắc chắn người bệnh đã mắc sốt xuất huyết và cần nhanh chóng điều trị.
Giai đoạn 2:
Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn rất nguy hiểm, trong giai đoạn này, các triệu chứng nặng của sốt xuất huyết bắt đầu được nhận thấy. Giai đoạn này thường bắt đầu từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt. Trong giai đoạn này, các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy. Người bệnh đã hạ sốt nhưng lại xuất hiện những hiện tượng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam hay chảy máu chân răng. Những biến chứng nặng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Ở giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường xuyên.
Giai đoạn 3, người bệnh bắt đầu hồi phục, huyết động dần ổn định, đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường.
Xuất huyết: Xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết, thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Xuất huyết nội tạng như: Tiêu hóa, phổi, não là biểu hiện nặng (nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen do bị xuất huyết nội tạng).
Một số trường hợp sốt xuất huyết dấu hiệu nặng có thể có biểu hiện suy tạng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.
Đau bụng, buồn nôn, tay chân lạnh, vật vã hốt hoảng (đây là hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu và tụt huyết áp). Nếu gặp tình trạng này, bệnh nhân phải cấp cứu nhanh chóng.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, nếu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết thì cần đưa người bệnh đi xét nghiệm để xác định bệnh tình sớm và có hướng điều trị kịp thời. Đặc biệt không nên tự ý dùng kháng sinh bừa bãi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên truyền dịch tại nhà, phòng ngừa biến chứng, có thể dẫn đến sốc phản vệ và tử vong.
Thảo Nguyên