Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Minh Hiện, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết, ông mới khám cho một trường hợp bị lỡ giai đoạn vàng trong điều trị đột quỵ rất đáng tiếc.
Bệnh nhân là Nguyễn Văn Hưng, 49 tuổi, tài xế taxi, ở TP. Việt Trì, Phú Thọ. Anh Hưng là người có sức khỏe tốt.
Anh Hưng kể lại, khoảng 7h ngày 16/7, sau khi đánh cầu lông về, anh tắm nước lạnh như mọi khi, sau đó uống một cốc sữa rồi lên xe đi đón khách.
Tuy nhiên, sau khi lái xe qua chặng đường 4 km, vừa đến nhà khách, anh đột nhiên thấy chóng mặt quay cuồng, đầm đìa mồ hôi, nôn thốc tháo, chân tay bủn rủn, không thể đứng vững.
PGS.TS Nguyễn Minh Hiện khám lại cho bệnh nhân sau 6 ngày điều trị đột quỵ. Ảnh: T. Hạnh
Nghĩ anh bị cảm, mọi người xung quanh xoa dầu cho anh nhưng không đỡ. Khi anh Huy được dìu về nhà, người thân đánh gió cho anh bằng trứng gà luộc, lá trầu không, song tình trạng ngày một nặng, uống nước cũng nôn.
Hơn 13h cùng ngày, khi thấy anh lịm dần, gia đình vội đưa anh vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu. Kết quả chụp CT chưa phát hiện bất thường, song khi chụp cộng hưởng từ, bác sĩ nhận thấy hình ảnh nhồi máu bán cầu tiểu não trái và thùy nhộng khá lớn.
Đặc biệt, bệnh nhân bị tăng huyết áp lên tới 153/103mmHg nhưng không hề hay biết do chưa từng đi khám sức khỏe.
PGS Hiện cho biết, do bệnh nhân đột quỵ đã qua khung giờ vàng dùng tiêu sợi huyết để tái thông mạch não bị tắc, nên chỉ có thể điều trị theo phác đồ kinh điển hiện hành như: Chống phù não, dinh dưỡng, bảo vệ tế bào não, dùng thuốc hạ mỡ máu, điều trị huyết áp ổn định, dùng thuốc chống tắc mạch tái phát và vitamin nhóm B…
Đến nay, sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân đã hồi phục 60%, có thể tự đi lại được tuy nhiên giữ thăng bằng chưa tốt, do đó cần điều trị thêm ít nhất 2-3 tuần nữa.
Theo PGS Hiện, bệnh nhân Hưng vốn bị xơ vữa động mạch gây tăng huyết áp, nhưng không đi khám và điều trị, sau đó tắm nước lạnh khi vừa tập thể dục về khiến cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột, từ đó gây co mạch, tạo cục máu đông gây tắc động mạch nuôi dưỡng tiểu não.
Tuy nhiên, bệnh nhân không hề có biểu hiện méo miệng, yếu hay liệt nửa người nên chủ quan, không nghĩ tới đột quỵ, để lỡ cơ hội điều trị trong giai đoạn vàng.
“Thực tế tổn thương do chảy máu hay nhồi máu não chỉ gây liệt, méo miệng khi nằm ở vùng liên quan đến vận động, cảm giác. Nếu cục máu đông nằm ở tiểu não hay các vị trí khác sẽ không có những triệu chứng này. Đôi khi một số trường hợp chỉ thấy đau đầu, chóng mặt, nôn, buồn nôn, toát mồ hôi, hoa mắt, trầm cảm…”, PGS Hiện nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý thêm, với các trường hợp đột quỵ nhồi máu não, nếu chẩn đoán bằng CT trong 3 giờ đầu chỉ phát hiện được 30% ca bệnh, nếu CT không phải đa dãy, tỷ lệ này càng thấp. Do đó, bệnh nhân cần phải khám kỹ lâm sàng kết hợp với chụp cộng hưởng từ sọ não mới chẩn đoán xác định được.
Với người dân, ngoài cách nhận biết đột quỵ qua 4 biểu hiện F.A.S.T như méo miệng, nói khó, liệt, rối loạn vận động, cảm giác nửa người… cần chú ý thêm các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, nôn, buồn nôn, đi đứng loạng choạng… để kịp thời đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất, có đủ trang thiết bị và năng lực chuyên môn, mới cấp cứu, điều trị tốt cho người bệnh.
Do tăng huyết áp là căn nguyên hàng đầu gây ra các biến chứng tim mạch và 80% các ca đột quỵ tại Việt Nam, PGS Hiện khuyến cáo mọi người dân cần đo, nhớ chính xác huyết áp của mình, khi bị tăng huyết áp, cần tuân thủ điều trị để kiểm soát huyết áp.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Theo Thúy Hạnh/ Vietnamnet