Những người có nguy cơ cao bị đột quỵ

Google News

Gia đình có người bị đột quỵ, mắc cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, cholesterol trong máu cao, nghiện thuốc lá... thuộc nhóm nguy cơ đột quỵ.

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trung bình cứ 3 phút lại có 1 ca tử vong do đột quỵ.

Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.

Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm...
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TP HCM, nhóm có nguy cơ đột quỵ cao hơn người bình thường:

Gia đình có người bị đột quỵ

Nếu gia đình có người thân từng bị đột quỵ, bạn có thể tăng nguy cơ đột quỵ do thói quen sống hoặc do yếu tố di truyền.

Mắc bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, thường diễn tiến âm thầm, dễ dẫn đến các biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, mắt, thận... Người bị đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 2 đến 4 lần so với người bình thường.

Mắc bệnh cao huyết áp

Huyết áp cao có thể gây ra bệnh về mạch máu, bao gồm cả bệnh tim và não. Bệnh có thể dẫn đến sự phát triển của những mạch máu khiếm khuyết, hình dạng bất thường. Chúng có thể bị vỡ nếu nó bị tác động bởi sự thay đổi huyết áp lớn.

Cholesterol trong máu cao

Cholesterol cao có thể hủy hoại các lớp áo trong của mạch máu khắp cơ thể, đặc biệt là tim và não. Cholesterol có xu hướng hình thành và gây xơ cứng mạch máu, tăng nguy cơ máu bị đóng cục, cản trở việc cung cấp máu lên não.

Người có bệnh lý về tim mạch

Những người bị một số bệnh lý về tim mạch như rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, suy tim... thường có nguy cơ đột quỵ rất cao.

Người nghiện thuốc lá

Thường xuyên hút thuốc lá gây viêm trong mạch máu, có thể hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ đột quỵ.

Theo nghiên cứu, những người hút thuốc lá ít hơn 11 điếu trong một ngày có khả năng bị đột quỵ cao hơn 46% so với những người không hút. Khi hút hai gói thuốc một ngày có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần. Bỏ thuốc lá là lựa chọn tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ

Những dấu hiệu nhận biết người bị đột quỵ

Liên quan tới phát hiện đột quỵ, theo khuyến cáo của Hiệp hội Đột quỵ quốc gia Hoa Kỳ, có thể ghi nhớ ngắn gọn bằng cụm chữ cái “FAST” mang ý nghĩa như sau:

F (Face)- Khuôn mặt: Yêu cầu người bệnh cười. Nếu một bên của khuôn mặt nụ cười méo xệch hoặc xệ xuống, người đó có thể bị đột quỵ.

A (Arms) - Tay: Yêu cầu người bệnh nâng cả hai tay lên. Nếu người đó gặp khó khăn với một bên cánh tay cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy người này có thể bị đột quỵ.

S (Speech) - Phát ngôn: Yêu cầu người đó nói. Nếu lời nói ngọng hoặc không thể phát âm, người đó có thể bị đột quỵ.

T (Time) - Thời gian: Bởi thời gian đối với người bệnh đột quỵ vô cùng quan trọng, nên nếu có bất kỳ triệu chứng nào ở trên, phải gọi cấp cứu ngay lập tức. Sau khi đột quỵ xảy ra, nếu chậm chễ hoặc không được điều trị tổn thương não do đột quỵ có thể dẫn đến tình trạng tàn phế vĩnh viễn hoặc tử vong.

Cấp cứu khẩn cấp có thể ngăn ngừa tổn thương đột quỵ, giúp người bệnh có cơ hội sống sót tốt hơn và phục hồi sức khỏe với ít biến chứng hơn.

Theo