Quê chồng tôi và quê tôi ở cách xa nhau, nên sau khi đón dâu về, vẫn còn khoảng 10 mâm cỗ dành cho những người vừa đi đón dâu về ăn trưa. Khi khách khứa vừa về hết, tôi lên phòng chưa kịp thay chiếc váy cưới, đã nghe thấy tiếng mẹ chồng gọi giục thay đồ nhanh để xuống dọn dẹp. Buổi trưa mải tiếp khách, vợ chồng tôi cũng chưa kịp ăn uống gì, chồng tôi uống vài chén rượu với khách nên khi vừa về phòng đã nằm ngủ li bì. Còn mình tôi phải vội vàng xuống dọn dẹp cùng nhà chồng.
Quê chồng tôi từ việc làm cỗ đến rửa bát đều là họ hàng, làng xóm làm giúp chứ không thuê người làm. Cỗ bàn kéo dài mấy ngày, đến khi đón dâu về, mọi việc xong xuôi mọi người đều mệt mỏi, ai về nhà nấy nghỉ ngơi. Còn lại bố mẹ chồng, cô em chồng tôi và mấy cô bác ruột nhà chồng.
Lúc ấy còn khoảng 10 mâm bát vừa ăn xong chưa ai rửa, mẹ chồng lập tức gọi tôi rửa chỗ bát đó. Những người còn lại cũng mỗi người 1 việc quét dọn, xong việc thì ngồi nghỉ ngơi, chỉ có 1 mình tôi ôm chục mâm bát ngổn ngang. Ở nhà, tôi chưa từng phải rửa bát nhiều thế này, nếu có cỗ bàn cũng là mọi người cùng rửa, cùng dọn. Đang loay hoay với đống bát đũa, thì cô em chồng tôi đi qua gọi với bảo: "Chị rửa dần cho quen, nhà mình hay có truyền thống thử thách dâu mới bằng việc rửa bát. Sau này giỗ tết, cỗ bàn cũng nhiều, từng này vẫn chưa là gì chị ạ".
Tôi nghe đến đó mà sốc. Công việc mấy ngày liền, ai cũng mệt và tôi cũng thế. Lúc ấy tôi vừa rửa bát, vừa chảy nước mắt, nghẹn ngào vì tủi thân. Ở nhà, mẹ lúc nào cũng lo, hỏi con gái làm có mệt, có vất vả hay không, nếu hôm nay ở nhà, chắc chắn mẹ tôi sẽ bảo tôi đi nghỉ, ăn gì đó, ngủ một giấc thật thoải mái, còn về nhà chồng lại khác hoàn toàn. Không ai hỏi tôi có đói không, có mệt không? Chỉ nghĩ đến đó thôi tôi đã thấy tủi thân mà nước mắt lăn dài...
Theo Tiểu Vy/VOV.VN