|
Ảnh minh họa. |
Bà Tám đã ngoài 60 tuổi. Chồng bà mất do di chứng để lại sau chiến tranh. Bà sinh được 2 người con trai, đều đã xây dựng gia đình. Trong khi con trai út có cuộc sống ổn định và khá giả trên thành phố thì người con trai lớn của bà lại gặp nhiều trắc trở.
Anh tên là Tư, lấy chị Hoa cùng làng đẹp người lại đẹp nết. Cưới được 8 năm, dù chăm chỉ làm ăn nhưng vợ chồng anh vẫn chưa có của ăn của để. Cả 2 cùng làm công nhân, thu nhập ít ỏi, hằng tháng ăn tiêu sinh hoạt, anh chị còn phải chi một khoản kha khá cho đứa con trai mắc bệnh tim bẩm sinh. Hoàn cảnh của các con khiến bà Tám lúc nào cũng canh cánh trong lòng.
Nếu cuộc sống cứ vậy trôi qua thì chẳng có gì đáng nói. Tai họa ập xuống gia đình bà Tám khi anh Tư mất trong một vụ tai nạn giao thông. Nỗi muộn phiền lúc nào cũng nặng trĩu trong căn nhà nhỏ. Bóng dáng hai người phụ nữ góa cứ lầm lũi ra, vào.
Trong xóm, nhiều người động viên, nhưng cũng có người kém duyên, thi thoảng lại rót vào tai bà những lời lẽ không hay: “Thằng Tư mất rồi, con Hoa còn mơn mởn thế kia. Rồi nó lại đi lấy chồng, chỉ thiệt con và cháu bà thôi”… Bà Tám không nói gì, chỉ lẳng lặng quay đi. Bà chưa từng có ý nghĩ xấu về Hoa. Bà thương cái nết dịu dàng, đoan trang, luôn dành phần thiệt về mình của con dâu.
Từ ngày chồng mất, ngoài giờ làm công nhân cho công ty giày da, Hoa vẫn tranh thủ nấu rượu và nuôi thêm đàn lợn. Dù xót xa nhưng chị vẫn gắng gượng để làm chỗ dựa cho mẹ già và các con. Mỗi lần thấy Hoa vất vả, vùi đầu vào những việc nặng nhọc, bà Tám lại nhớ về tuổi trẻ của mình…
Ngày ấy, chồng bà đi chiến trường Campuchia, không biết sống chết thế nào. Bà xoay sở, buôn thúng bán mẹt nuôi mẹ chồng và đứa con thơ. Vất vả nhưng có lẽ sợ hãi nhất vẫn là nỗi cô đơn. Cứ vò võ một mình, có những đêm nhìn ngọn đèn leo lét, bà thấy lòng hiu quạnh. Nhưng ở thời điểm đó, bà vẫn còn may mắn hơn Hoa bây giờ bởi chồng bà chưa về nghĩa là bà vẫn còn hy vọng. Còn Hoa thì không… Cùng phận đàn bà, bà Tám thấy lòng mình quặn thắt. Từ ngày về làm dâu, Hoa chưa bao giờ làm bà phật ý. Bà Tám coi Hoa như con gái do bà dứt ruột đẻ ra.
Bà chợt có ý nghĩ lạ lùng: sẽ gả chồng cho Hoa. Đêm nằm, bà nhắm đám con bà Lượng. Anh Hữu đã một đời vợ, tính nết hiền lành, chịu khó làm ăn. Bà Tám lẳng lặng sang nhà bà Lượng. Dí dủm thế nào, hai bà đồng ý gả con cho nhau. Rồi bà Tám đích thân sang nhà bố mẹ đẻ chị Hoa thưa chuyện: “Xin phép ông bà, tôi gả chồng cho cháu”.
Bố mẹ chị Hoa xúc động: “Chúng tôi đã gả con sang bên ấy, nó là con của bà nên bà toàn quyền quyết định”!
Vậy là chỉ còn một việc quan trọng nhất: liệu Hoa và anh Hữu có bằng lòng?
Đợi tối đi làm về, bà ướm lời con dâu: “Hoa, mẹ có chuyện này muốn nói với con. Mẹ muốn gả chồng cho con”.
Chị Hoa chưa hiểu chuyện gì, chỉ rối rít:
- Con có gì không phải, mẹ bảo ban con chứ mẹ đừng đuổi con!
- Mẹ nào có đuổi. Những gì con trải qua, mẹ cũng đã từng. Mẹ già rồi khuất núi. Các cháu cũng sẽ có cuộc sống riêng. Mẹ không đành lòng để con sống cô quạnh cả đời.
Tai chị Hoa như ù đi. Chị chạy vào trong và không còn nghe những điều mẹ chồng nói. Chị nhất quyết không đi thêm bước nữa.
Ấy vậy mà từ ngày đó, được sự dẫn dắt của bà Tám, ngày nào anh Hữu cũng sang đỡ đần mẹ con, bà cháu bên này, khi thì sửa cái bóng điện, lúc sửa đường dẫn nước. Có bàn tay anh, căn nhà như ấm cúng và sáng sủa hẳn lên. Dường như trải qua một lần lỡ nhịp, anh càng trân trọng chị Hoa. Và tình cảm anh dành cho hai đứa trẻ lâu ngày đã khiến trái tim chị Hoa ấm lại.
Sang tháng, anh và chị sẽ làm đám cưới. Làng trên, xóm dưới ai cũng bàn tán về đám cưới đặc biệt này. Họ ca ngợi tình yêu giản dị, chân thành của đôi trẻ và càng ca ngợi tình thương của người mẹ chồng. Sau đám cưới, anh Hữu dọn sang ở cùng chị Hoa để tiện chăm sóc bà Tám và tụi nhỏ.
Theo Tường Vy/Báo Hải Dương