Ly Ly, (30 tuổi, ở Trung Quốc) có vẻ ngoài xinh đẹp, đoan trang. Trong mắt mọi người, cô là một mỹ nhân chuẩn mực. Tuy nhiên, cách ăn mặc của cô khác hẳn so với vẻ ngoài. Cô thường mặc trang phục xuề xoà, không hay mua đồ mới.
Một lần đi ăn trưa, chiếc áo trắng của cô vô tình bị thức ăn bắn vào, giặt mãi không sạch vết bẩn. Nhưng Ly Ly không bỏ chiếc áo đi, cô dùng miếng hoạt hình nhỏ để dán đè lên vết bẩn và tiếp tục mặc nó. Thấy vậy, các đồng nghiệp đều khuyên cô không nên quá keo kiệt với bản thân nên mua một chiếc áo trắng khác thay thế. Nhưng Ly Ly thẳng thắn đáp lại: "Tôi thấy ổn, tôi thấy mặc tiếp chiếc áo này chẳng hề hấn gì".
Sau khi trò chuyện với Ly Ly, mọi người mới biết cô có gia cảnh bình thường. Từ nhỏ, Ly Ly đã được cha mẹ hướng dẫn tiết kiệm tiền bạc. Mỗi khi cô đòi mua quần áo mới, mẹ đều nói rằng: "Con không đẹp nên mặc đồ mới cũng không khá hơn đâu. Vì thế, con cứ mặc đồ cũ cho tiết kiệm nhé!".
Những lời nói ấy đã lấp đầy suy nghĩ của Ly Ly. Từ nhỏ, cô đã cho rằng mình có ngoại hình xấu xí nên luôn xuề xoà trong cách ăn mặc. Nhiều lần cô khóc nức nở, xin mẹ mua quần áo mới nhưng mẹ đều lạnh lùng từ chối. Điều này khiến cô ngày càng tự ti, mặc cảm.
Ngay cả khi lớn lên, Ly Ly vẫn giữ tính cách tiết kiệm quá mức. Dù đã đi làm, có tiền lương ổn định nhưng cô không bao giờ mua quần áo đắt tiền. Nhiều bộ quần áo của cô còn được khâu đi khâu lại nhiều lần, mép áo sờn rách.
Vì chịu ảnh hưởng từ lối sống tằn tiện của mẹ lúc nhỏ nên Ly Ly trở nên không hứng thú với việc mua sắm. Cô sống khép kín, không muốn giao tiếp với mọi người. Dù đã bước sang tuổi 30 nhưng Ly Ly vẫn chưa có người yêu và không nghĩ đến chuyện kết hôn. Cô luôn cảm thấy mặc cảm, không xứng với người khác. Chính môi trường sống lúc nhỏ đã khiến cô trở nên nhạy cảm.
Việc nuôi dạy con như mẹ Ly Ly sẽ khiến đứa trẻ chịu 5 tác hại lớn:
Tầm nhìn hạn chế
Tổng biên tập tạp chí "Fortune" từng nói: "Tầm nhìn của một người quyết định kết cục của anh ta". Người Trung Quốc xưa có câu: "Cái bánh dù lớn đến đâu cũng không thể to hơn bánh xèo", hàm ý kích thước chiếc bánh không thể lớn hơn cái chảo. Trong cuộc sống, tầm nhìn của chúng ta cũng bị giới hạn bởi khuôn mẫu của chính mình.
Tầm nhìn phụ thuộc phần lớn vào sự giáo dục mà mỗi người nhận được khi còn nhỏ. Nếu cha mẹ luôn để con cái quan tâm đến những lợi ích trước mắt, trẻ sẽ mất khả năng làm chủ tình hình chung. Những đứa trẻ này lớn lên sẽ không còn nhìn vấn đề theo cách vĩ mô và mất kiểm soát về tương lai.
|
Với bố mẹ quá tiết kiệm, sự 'nghèo đói' về vật chất có thể làm hỏng thế giới tinh thần và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Ảnh minh họa |
Trở nên tham lam
Khi đi dự đám cưới, không ít khách mời bốc thuốc lá, bánh kẹo cho đầy vào túi. Họ còn kêu con cái sang bàn khác lấy mang về. Thực ra đây không còn là tằn tiện nữa mà là sự tham lam. Những đứa trẻ với sự giáo dục như vậy ít nhiều sẽ thừa hưởng tính tham của cha mẹ.
Một khi đã hình thành thói quen như vậy, trẻ rất khó có bạn. Dù có tiền nhưng chúng luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ "Sẽ bị người khác lợi dụng" nên không dám chi tiêu vào việc gì.
Thiếu tự tin
Những đứa trẻ lâu ngày không được thỏa mãn về vật chất thường có xu hướng tự ti về bản thân. Nguyên nhân là do trẻ nghĩ bản thân "không xứng đáng" với những điều tốt đẹp, và mất đi dũng khí để theo đuổi vật chất. Cũng có phụ huynh tiết kiệm đồ ăn thức uống, để dành hết cho con cái. Nhưng việc làm này ít nhiều sẽ gây tổn hại cho trẻ bởi chúng luôn cảm thấy có lỗi với cha mẹ mình.
Chỉ chăm chăm tận dụng
Tiết kiệm thái quá sẽ có thể dẫn đến sự đánh đổi, hy sinh phẩm chất đạo đức và giá trị bản thân. Ví dụ, trẻ có được món đồ mới như cục tẩy, cây bút sẽ không dám dùng mà cất kín, sau đó mượn của bạn khác để sử dụng. Thậm chí, trẻ có thể lấy cắp của bạn khác. Hành vi này, về lâu dài, khiến trẻ trở thành người thiển cận, chỉ ham lợi ích nhỏ, không biết quan tâm và chia sẻ với người khác. Khi trưởng thành, trẻ khó có được sự giúp đỡ của tập thể bởi chỉ biết nhờ vả mà không biết hỗ trợ trở lại. Trong môi trường xã hội, họ khó có được bạn tốt, đồng nghiệp tốt.
Không hiểu được nhu cầu thực sự của bản thân
Tiết kiệm đúng cách là hành động không xa hoa, lãng phí mà vẫn đảm bảo nhu cầu của bản thân. Trong trường hợp tiết kiệm đến mức không còn lắng nghe nhu cầu bình thường của mình là sai lầm lớn. Điều này giới hạn tầm nhìn của trẻ, khiến trẻ quá chú trọng vào những thứ trước mắt mà không bao giờ nghĩ đến lợi ích lẫn mất mát lâu dài của bản thân.
Đồng tiền rất quan trọng nhưng chỉ là vật chất, là phương tiện để sống, không phải là tất cả. Cha mẹ nên chỉ cho con thấy cách chi tiêu tiền sao cho khôn ngoan, hợp lý, không phải cứ rẻ là tốt. Ví dụ, khi trẻ mua loại bút chì rẻ nhưng chất lượng kém so với loại bút chì đắt, cha mẹ nên chỉ cho con thấy mua một sản phẩm chất lượng kỳ thực là sự tiết kiệm hơn rất nhiều, bởi tiết kiệm chi phí cũng là một hành động tiết kiệm.
Trong quá trình dạy trẻ tiết kiệm, điều quan trọng, cha mẹ nên giúp con bạn lập kế hoạch chi tiêu. Bằng cách này, đứa trẻ sẽ học được cách làm thế nào phân bổ đồng tiền cho hợp lý, từ đó hiểu ý nghĩa của tiết kiệm. Cần chỉ cho trẻ thấy sử dụng tiền vào một việc gì đó có cần thiết không, có hợp lý không.
Khi việc giáo dục tiết kiệm được tiến hành đúng cách, cha mẹ có thể giúp trẻ hiểu đúng về giá trị đồng tiền, cách sử dụng tiền khôn ngoan nhất, thay vì biến mình thành bủn xỉn, keo kiệt. Làm chủ đồng tiền góp phần giúp trẻ thành công trong tương lai.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại
Theo Lily/ Sức khỏe Đời sống