Dịch COVID-19 tại Việt Nam đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi số ca mắc giảm dần. Tuy nhiên, những vấn đề nCoV để lại có thể vẫn tiếp tục tồn tại trong thời gian sắp tới.
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Nguyễn Thị Sim, phụ trách Trung tâm Can thiệp Bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khẳng định việc mắc COVID-19 và điều trị khỏi vẫn chưa phải kết thúc của quá trình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân. Điều này còn cần nhấn mạnh đặc biệt với phụ nữ mang thai.
Nguy cơ cho cả mẹ và con
Tiến sĩ Sim cho biết các nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy những triệu chứng của COVID-19 có thể kéo dài tới vài tháng sau khi bệnh nhân đã âm tính với nCoV.
“Hậu COVID-19 đã được đề xuất như một thuật ngữ bao trùm cho hàng loạt hậu quả về sức khỏe thể chất cũng như tinh thần xuất hiện từ 4 tuần trở đi sau khi nhiễm SARS-CoV-2. Một số di chứng muộn để lại cũng khá nguy hiểm nếu không phát hiện sớm, thậm chí mất khả năng điều trị và đe dọa tính mạng bệnh nhân”, vị chuyên gia nhận định.
|
Trẻ sơ sinh được đưa tới bệnh viện khám COVID-19 tại TP.HCM thời gian qua. Ảnh: Quỳnh Danh.
|
Theo bà, các di chứng hậu COVID-19 hiện nay thường được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông dựa trên sự tổn thương ở các cơ quan như não, tim, phổi, thận, tụy, cơ,... nhưng chưa cụ thể.
“Riêng đối với phụ nữ mang thai, bà mẹ sau sinh, các nguy cơ này còn cao hơn nhiều lần. Nguyên nhân là nhóm này được xem như đang mang bệnh nền, khả năng miễn dịch kém, do đó nguy cơ mắc bệnh và bị tổn thương nhiều hơn”, tiến sĩ Sim lưu ý.
Bà cũng cho biết trong thời gian qua, nhiều bà mẹ mắc COVID-19 và được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà.
“Tuy nhiên, do không được phát hiện sớm, một số bà bầu rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh khi lâm bồn do các biến chứng của COVID-19 đã biểu hiện trên toàn thân”, vị chuyên gia thông tin.
Bên cạnh đó, sức khỏe của thai nhi, trẻ sơ sinh cũng là vấn đề được quan tâm đặc biệt khi mẹ mắc COVID-19. Cụ thể, nhiều người lo ngại thai nhi có phát triển tốt hay không, tăng trưởng cân nặng như thế nào, hình thái phát triển có bất thường hay không, các biến chứng sản khoa như sảy thai, đẻ non, thai lưu liệu có xuất hiện,....
Tiến sĩ Sim cho hay: “Trên thực tế, tỷ lệ sinh mổ trong thời gian qua đã tăng lên. Các yếu tố bất lợi trong cuộc chuyển dạ của phụ nữ mang thai từng mắc COVID-19 cũng xuất hiện nhiều hơn”.
Với trẻ sơ sinh non tháng, tiến sĩ Sim cũng thông tin một số bé có mẹ từng mắc COVID-19 gặp nhiều hơn các vấn đề liên quan tổn thương phổi, gan, rối loạn đông máu, loạn nhịp tim, tiêu chảy,....
“Sau khi chào đời, các bé có thể khó thở hơn, sốt nhẹ, giảm tiểu cầu, chức năng gan rối loạn, nhịp tim nhanh, tràn khí màng phổi, có dấu hiệu nôn, khó tiêu,... dù được xét nghiệm cho kết quả âm tính với nCoV”, bà cho hay.
Giá trị của tầm soát hậu COVID-19
Sau hơn 2 năm chống dịch, các vấn đề liên quan bệnh COVID-19 và nCoV đang dần sáng tỏ. Tuy nhiên, tiến sĩ Sim cho rằng việc phát hiện và quản lý di chứng hậu COVID-19 vẫn chưa phổ biến trong cộng đồng.
Do đó, bà khẳng định người dân, nhất là phụ nữ mang thai và sau sinh, cần đến cơ sở y tế với y bác sĩ cùng trang thiết bị chuyên môn sâu để được khám và phát hiện sớm các biến chứng hậu COVID-19.
|
Tiến sĩ Sim thăm khám, sàng lọc di chứng hậu COVID-19 cho các bà bầu tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: BVCC.
|
“Nhiều trường hợp chủ quan, không tái khám sau khi âm tính với nCoV, thậm chí không xét nghiệm khi làm thủ tục sinh, đã bỏ qua việc tầm soát, sàng lọc phát hiện nguy cơ rất có giá trị”, vị chuyên gia nhận định.
Tiến sĩ Sim cho hay nhiều trường hợp bên ngoài rất khỏe mạnh nhưng kết quả xét nghiệm lại cho thấy có tổn thương đa cơ quan. Khi cuộc đẻ kết thúc, những người này không thể tự hồi phục và rơi vào tình trạng rất xấu.
Bác sĩ này nhấn mạnh tầm soát hậu COVID-19 không phải khám chỉ để chữa bệnh. Việc làm này còn có ý nghĩa kiểm tra cơ thể đã hoàn toàn ổn định sau thời gian điều trị COVID-19 hay chưa, đồng thời sàng lọc các bệnh lý mạn tính, tiềm ẩn, nay khởi phát bởi các đáp ứng viêm trong COVID-19 như tiểu đường, tuyến giáp, rối loạn khoáng, một số bệnh tự miễn,....
“Nếu thực sự ổn định, đó là điều may mắn. Nếu không, đó cũng là may mắn bởi chúng ta có thể lên kế hoạch theo dõi thai, chăm sóc sức khỏe người mẹ, quản lý nguy cơ với thai kỳ toàn diện và kịp thời nhất”, tiến sĩ Sim nói.
Bên cạnh vấn đề về thể chất, việc tầm soát hậu COVID-19 cũng là cơ hội để những phụ nữ mang thai, bà mẹ sau sinh chia sẻ tình trạng sức khỏe tinh thần.
“Cá nhân tôi nhận thấy việc chăm sóc sức khỏe tinh thần ở Việt Nam chưa thực sự được quan tâm. Chỉ khi quá mệt mỏi hoặc tin tưởng ai đó, các bệnh nhân mới kể. Chuyên khoa tâm lý ở Việt Nam cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người bệnh khi nhiều trường hợp còn không biết phải đến đâu, chia sẻ với ai”, bà nói.
Theo vị chuyên gia, người bệnh sau khi khỏi COVID-19, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ sau sinh, thường cảm thấy lo âu, hoang mang, ngủ không ngon, từ đó rối loạn các chức năng trong cơ thể.
Một số trường hợp nặng nề hơn có thể trầm cảm, rối loạn hành vi, thậm chí tự sát. Dù số lượng này không lớn, việc không làm chủ được vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn rất quan trọng và cần được lưu tâm.
Vì vậy, ngoài việc khám chữa bệnh, bệnh nhân cần được tư vấn về các thành phần lối sống như dinh dưỡng, giấc ngủ và giảm căng thẳng để tối ưu hóa chức năng, chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân hậu COVID-19.
Theo Quốc Toàn/Zing