Chọn cua đồng thông qua màu sắc
Nhiều bà nội trợ mách nhau chọn cua đồng ngon thông qua màu sắc. Cụ thể nhiều người cho rằng cua có màu xám đục mới đích thị là cua đồng. Thế nhưng theo những người sinh sống ở vùng nông thôn từ bé thì có rất nhiều con cua đồng có mai màu đen, màu cam.
Không phải con cua màu xám đục nào cũng nhiều thịt, nhiều gạch và cũng không phải con cua nào màu đen, màu cam cũng ít thịt, ít gạch. Thường thì những con cua màu cam sẽ chắc thịt hơn.
Chọn cua đồng qua độ nhanh nhạy của cua
Nhìn vào độ nhanh nhạy của cua bạn có thể biết cua có ngon hay không. Những con cua có khả năng bò nhanh nghĩa là chúng còn sống và rất khỏe mạnh. Còn những con không di chuyển được có nghĩa là chúng đã yếu và sẽ nhanh bị chết. Con cua như vậy bạn không nên mua.
Nếu cua đã chết thì bạn không nên dùng để chế biến món ăn bởi chúng rất khai. Nấu lên sẽ làm mất hương vị đặc trưng của món ăn. Không chỉ vậy, ăn vào còn dễ bị tiêu chảy.
Cách chọn cua đồng qua hình dáng
Bạn nên chọn những con cua còn đủ 2 càng, 8 cẳng, càng luôn chĩa lên trên. Lý tưởng nhất là chọn những con cua có mình mập, khi dùng tay ấn vào phần yếm dưới bụng cua không bị lún. Con cua như vậy ngon và chắc thịt.
Nếu ấn vào yếm cua mà thấy lún thì không nên mua. Con cua như vậy là cua xốp, rất ít thịt và ăn cũng không ngon.
Chọn cua đồng thông qua yếm
Nhìn vào phần yếm bạn có thể phân biệt được đâu là cua đồng đực và đâu là cua đồng cái. Cua đồng cái có yếm to và có nhiều gạch. Cua đồng đực có yếm nhỏ hơn cua đồng cái, loại cua này sẽ có nhiều thịt.
Vì vậy tùy thuộc vào nhu cầu của mình, bạn muốn chọn cua nhiều thịt hay ít thịt thì bạn sẽ có sự lựa chọn khác nhau.
Chọn cua đồng dựa vào lịch âm
Theo các cụ ở quê truyền lại, muốn chọn cua đồng ngon thì nên mua vào đầu tháng hoặc cuối tháng âm lịch. Còn vào giữa tháng cua thay vỏ thì con cua sẽ gầy hơn, thịt cũng bở hơn. Đặc biệt nên tránh mua cua đồng vào các ngày 13 đến 16 âm lịch hàng tháng.
Cách làm sạch và lọc cua đồng nhanh nhất
Sau khi chọn mua được cua, bạn làm sạch bằng cách ngâm chúng với nước. Khoảng 10 phút thì thay nước 1 lần, thay đến khi nào nước hết đục thì cho thêm muối vào, ngâm khoảng 10 phút nữa.
Tiếp đến bạn vớt cua ra để ráo rồi tách mai, bỏ yếm của cua. Bạn cầm vào 4 cẳng chân cua và xé đôi chua theo viền mai cua, mai để riêng, phần thân cua bỏ yếm. Mang cua đi xay hoặc giã nhuyễn, cho thêm ít muối để khi nấu gạch cua dễ đông lại đồng thời hạn chế gạch và càng cua bắn vào người.
Cuối cùng bạn lọc xác cua lấy nước, lọc nhiều lần để không còn bị sót xác cua.
Theo Trần Thu Thủy/Khỏe và đẹp