Bắt đầu từ tháng 5 - 6 là người dân ở Tuyên Quang thường đi bắt cua về bán cho thương lái. Được mệnh danh là đặc sản của núi rừng, cua đá núi được các tiểu thương chợ mạng dùng những lời có cánh để quảng bá.
Theo quan sát, nhưng con cua này nhìn hình dạng khá giống các loại cua khác nhưng to bằng nắm tay, có màu sắc khá đậm, chân dài, càng ngắn nhưng to và chắc khỏe. Mỗi con cua nặng khoảng 0,2kg.
Thông thường, chúng hay sống ở các khe núi, hốc đá trong rừng sâu nên phải thợ chuyên mới câu hoặc bắt được. Cua đá núi xuất hiện nhiều nhất vào mùa mưa khi chúng bò ra khỏi hang để kiếm ăn. Thức ăn của cua chỉ là côn trùng và lá rừng nên thịt cua rất chắc, ngọt, thơm và có vị hấp dẫn riêng.
Hiện tại, tùy theo kích cỡ lớn nhỏ mà có giá bán khác nhau. Cụ thể, loại cua 5 con/kg có giá 220.000 đồng/kg, loại 6 con/kg giá 200.000 đồng/kg. Các loại cua nhỏ hơn có giá từ 150.000 - 170.000 đồng/kg.
Vẻ bề ngoài của con cua đá này hao hao giống con ba khía đặc sản của miền tây. Nhưng thịt cua lại thơm ngon và săn chắc hơn nhiều. Thậm chí, có người sau khi ăn chúng cho biết, thịt của cua này ngon hơn cả cua biển nữa.
Chị Minh Thu, một đầu mối chuyên bán cua đá núi cho hay: "Cua đá thường sống trong các hốc đá ở trên núi. Thịt chắc, thơm vì thế cua núi nhập về bao nhiêu hết bấy nhiêu, chưa bao giờ ế hàng. Ngoài ra, giá thành của loại cua này so với cua đồng thì rẻ hơn nên nhiều người cũng chuộng. "
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì loài cua này ăn hay bị đau bụng do môi trường sống hoang dã, ăn nhiều cỏ cây hoa lá ở rừng nên khi ăn phải đun chín, nấu sôi tránh hiện tượng ký sinh trùng gây bệnh.
Theo Lily/ Giadinhnet