Dịp Tết cũng là lúc các gia đình làm cỗ liên tục nên đòi hỏi dự trữ khối lượng lớn thực phẩm tươi sống, thế nhưng việc bảo quản ra sao để thực phẩm được tươi ngon nhất lại khiến nhiều chị em phải đau đầu.
Thịt lợn
Sau khi mua thịt lợn về, bà nội trợ tiến hành rửa sạch với muối tinh hoặc nước muối loãng, rồi rửa lại với nước sạch. Để thịt ráo nước rồi dùng khăn giấy thấm khô, cho thịt vào hộp kín hoặc túi zip.
Có thể dùng màng bọc thực phẩm quấn chặt thêm một lớp trước khi cho thịt vào hộp hoặc quấn phía bên ngoài hộp để tránh không khí từ bên ngoài vào, đông thời giúp thịt không bị dăm đá bám xung quanh. Từ đó, thực phẩm sẽ được tươi lâu hơn và giữ lại các chất dinh dưỡng.
Tuy nhiên, tùy những phần thịt khác nhau mà thời gian bảo quản lại có sự khác biệt.
Với thịt lợn cắt miếng, thời gian bảo quản ngăn mát từ 3-5 ngày, còn ngăn đá là 4-12 tháng.
Còn với thịt đã được xay nhỏ và các phần nội tạng như tim, gan,... thì thời gian rút ngắn hơn: 1-2 ngày ở ngăn mát và 3-5 tháng ở ngăn đông.
Cá
Điều đầu tiên mà chị em cần lưu ý sau khi mua cá về là cắt vây, đánh vảy và làm sạch phần nội tạng, khoang bụng. Sau đó, rửa sạch cá với muối tinh và nước sạch nhiều lần để loại bỏ bụi bẩn, máu dư thừa và các tạp chất. Bạn cũng có thể sử thêm chanh và gừng trong quá trình sơ chế để khử mùi tanh của cá.
Qua giai đoạn sơ chế cần để cá ráo nước rồi cho vào hộp có nắp kín hoặc túi zip đóng chặt, bảo đảm không khí từ bên ngoài không thể lọt vào trong.
Ngoài ra, có thể bọc thêm một lớp màng bọc thực phẩm để giảm thiểu tối đa mùi cá lọt ra bên ngoài, không gây ám mùi vào những loại thực phẩm khác. Cá cũng cần để tách biệt khỏi những loại thịt khác để tránh nhiễm khuẩn chéo.
Thời gian tối đa để bảo quản cá trong ngăn mát là 1 ngày, còn với ngăn đông từ 2-4 tháng.
Thịt gia cầm
Các loại thịt gia cầm sau khi mua về cần rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước chảy. Các bà nội trợ nên dùng muối, chanh hoặc gừng xát cả phía trong và ngoài gia cầm để khử mùi hôi, tanh và loại bỏ bụi bẩn.
Sau đó, để thật ráo nước và đựng trong hộp đậy kín nắp hoặc bỏ vào túi zip khóa chặt.
Nếu gia đình chưa có nhu cầu sử dụng ngay thì sau khi mua về, hãy để nguyên bọc thịt rồi cho vào hộp đựng, hoặc dùng màng bọc thực phẩm bọc thật kín và cất lên ngăn đá.
Thời gian lý tưởng nhất để bảo quản gia cầm trên ngăn đá là 7 ngày. Tuy nhiên, với nhiệt độ từ -25 độ C đến -18 độ C thì có thể kéo dài tới 6-8 tháng.
Thịt bò
Trái với những loại thực phẩm nêu trên, thịt bò sau khi mua về không cần rửa lại với nước nếu chưa sử dụng ngay. Bởi điều này sẽ làm nước thấm ngược vào trong các thớ thịt, khiến thịt bị bở và đông đá khi bảo quản.
Lúc này, bạn chỉ cần dùng khăn giấy thấm khô các mặt của miếng thịt. Sau đó, quét thêm một lớp dầu ăn lên bề mặt để đảm bảo thịt vẫn được độ mềm ẩm, không bị quá khô và mất chất dinh dưỡng khi giữ lạnh trong thời gian dài.
Tương tự như thịt lợn, thời gian bảo quản thịt bò có thể khác nhau tùy vào từng loại thịt.
Với thịt bò cắt theo miếng, tảng cất trong ngăn mát, lý tưởng nhất là từ 3-4 ngày, ngăn đông là 4-5 tháng. Còn với thịt bò xay và các phần nội tạng, thời gian trong ngăn mát là 1-2 ngày, ngăn đông từ 3-4 tháng.
Dù có thời gian bảo quản trữ đông kéo dài nhiều tháng, nhưng các bác sĩ khuyến cáo, tốt nhất nên sử dụng thực phẩm ngay trong ngày nếu để ở ngăn mát và 1-2 tuần nếu để ở ngăn đông.
Ngoài ra, bạn nên chia thịt thành các hộp, túi nhỏ để tiện rã đông và chế biến. Từ đó, thực phẩm sẽ giữ được độ tươi ngon nhất, tránh mất quá nhiều chất dinh dưỡng và gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo Lem/Vietnamnet