Tại nhiều hội thảo khoa học chuyên đề liên quan đến tiêu hóa, các chuyên gia khuyến cáo, 10% dân số Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Các bệnh thường gặp của hệ tiêu hóa: Ợ nóng, còn được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD); viêm loét dạ dày; sỏi mật; táo bón; tiêu chảy…
BV Chợ Rẫy hiện mỗi ngày tiếp nhận điều trị ngoại trú trung bình khoảng 3.500 lượt bệnh nhân và 2.544 lượt bệnh nhân nội trú liên quan tới bệnh đường tiêu hóa. Bên cạnh các nguyên nhân do bẩm sinh, di truyền, chúng ta nhận thấy phần lớn các bệnh từ chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là các bệnh mạn tính không lây nhiễm. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, các bệnh về tiêu hóa vẫn đứng hàng đầu ở tỷ lệ người mắc bệnh, nhất là các bệnh loét đường tiêu hóa chiếm hơn 50% trong cộng đồng.
|
Các chuyên gia khuyến cáo, 10% dân số Việt Nam mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Ảnh: Internet. |
Theo các chuyên gia y tế, rất nhiều nguyên nhân có thể gây nguy hại cho chức năng tiêu hoá. Ở một số người, có thể vấn đề là do di truyền. Ở những người khác, có thể xảy ra tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công “nhầm” vào chính hệ thống tiêu hóa, gây ra các “thảm hoạ” tiêu hóa của cơ thể. Những gì chúng ta ăn và uống, cách chúng ta ăn, chất lượng từng loại thực phẩm, đặc biệt là chất lượng nước, cũng có thể làm suy giảm sức khỏe tiêu hóa.
10 mẹo cho một hệ tiêu hóa tốt
- Duy trì chế độ ăn uống cân bằng. Đa dạng trong việc lựa chọn thực phẩm từ mỗi nhóm thực phẩm, đặc biệt là trái cây giàu chất xơ, rau củ và các loại hạt cũng như sữa chua và các loại nước uống.
Về nguyên tắc, các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra lời khuyên bữa ăn gia đình cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, và bạn cần phối hợp nhiều loại thực phẩm từ 4 nhóm thức ăn chính (chất bột, đường; chất đạm; chất béo; nhiều vitamin, muối khoáng và xơ) cũng như thay đổi món thường xuyên bảo đảm khẩu phần ăn cân đối, đủ chất dinh dưỡng. Nhóm lương thực gồm gạo, ngô, khoai, sắn, mỳ... là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu. Nhóm giàu chất đạm gồm thức ăn nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, sữa và nguồn thực vật như đậu đỗ. Ngoài ra, trong bữa ăn cần có nhóm giàu chất béo và nhóm rau quả. Trung bình ngày ăn 3 bữa. Không nên nhịn ăn sáng và bữa tối không nên ăn quá no.
|
Hình thành thói quen ăn uống điều độ, ăn đúng bữa sẽ hỗ trợ việc đi ngoài đều đặn, giúp hệ tiêu hóa tốt. |
- Hình thành thói quen ăn uống điều độ. Ăn đúng bữa sẽ giúp hỗ trợ việc đi ngoài đều đặn.
- Ăn ít nhưng ăn nhiều bữa. Ăn 4-5 bữa một ngày thay cho 2-3 bữa ăn lớn.
- Nhai kỹ. Sự tiêu hóa bắt đầu từ miệng. Hãy nhai thật kỹ. Nhai giúp nghiền nhỏ thức ăn.
- Nhớ bổ sung nước trong bữa ăn. Chất lỏng giúp di chuyển các chất rắn đi vào hệ tiêu hóa tốt hơn.
- Rau củ và trái cây nên chiếm một nửa đĩa thức ăn. Trái cây và rau củ giàu chất xơ có thể cung cấp prebiotic hỗ trợ cho sự phát triển của lợi khuẩn trong đường tiêu hóa.
- Ăn sữa chua hoặc kefir mỗi ngày. Hai loại thực phẩm này cung cấp probiotic giúp tăng cường hệ tiêu hóa.
- Nghỉ ngơi sau khi ăn. Hãy để cho cơ thể một ít thời gian tiêu hóa thức ăn trước khi hoạt động trở lại.
- Tránh ăn quá nhiều. Ăn quá nhiều thức ăn sẽ là gánh nặng đối với hệ tiêu hóa.
- Vận động. Nên chú ý đến những hoạt động thể chất để giúp tăng cường sức khỏe tiêu hóa. Thậm chí những hoạt động chậm như là co duỗi và đi bộ cũng có hiệu quả.
Các loại thực phẩm tốt cho đường tiêu hóa
Sữa chua: Chế phẩm từ sữa này có chứa lợi khuẩn, probiotic là một trong những loại thực phẩm rất tốt cho đường tiêu hóa. Lợi khuẩn từ sữa chua không những giúp duy trì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh mà còn giúp khắc phục các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi,…
Táo: Đây là một loại trái cây mọi người đặc biệt là trẻ em rất thích bởi có vị ngọt, giòn, dễ ăn. Không những thế, táo còn có tác dụng đặc biệt tốt cho hệ tiêu hóa. Trong quả táo có chứa chất xơ không hòa tan pectin giúp tránh cũng như điều trị táo bón. Ngoài ra, táo có chứa rất nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể đồng thời cũng nâng cao hiệu quả hoạt động của lợi khuẩn trong đường tiêu hóa như A, B9, C, Kali. Bổ sung táo vào thực đơn hằng ngày sẽ giúp bạn hạn chế các vấn đề về tiêu hóa.
|
Khoai lang chứa lượng lớn chất xơ, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và ngăn ngừa táo bón. |
Khoai lang: Loại củ này có chứa các axit amin và vitamin C giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa, chống đầy bụng, khó tiêu. Bên cạnh đó, khoai lang chứa lượng lớn chất xơ, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và ngăn ngừa táo bón.
Yến mạch: Với lượng chất xơ hòa tan cao, yến mạch giúp tăng nhu động ruột, chống táo bón, từ đó kích thích hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn và trở thành một trong những loại thực phẩm tốt cho đường ruột. Không những thế, yến mạch còn chứa nhiều vitamin và các chất dinh dưỡng khác tốt cho cơ thể, chúng ta nên bổ sung yến mạch vào bữa ăn gia đình.
Các loại rau xanh: Đây là nguồn chất xơ dồi dào giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Hơn nữa, trong rau xanh còn chứa rất nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể, do đó, rau xanh rất nên được đưa vào thực đơn bữa ăn hàng ngày.
Thực phẩm giàu kẽm: Kẽm là nhân tố thúc đẩy sự tái tạo của tế bào miễn dịch, duy trì sự khỏe mạnh của cơ thể. Ngoài ra, kẽm còn giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng trong điều trị các bệnh về tiêu hóa. Các loại thực phẩm giàu kẽm đó là cua, sò, thịt bò, hến, hạt điều, hạnh nhân, óc chó, đậu phộng,…
Hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể hấp thụ tốt chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng cho các hoạt động, duy trì cơ thể khỏe mạnh. Cung cấp đầy đủ các loại thực phẩm nêu trên sẽ một trong những cách cải thiện hệ tiêu hóa cho bạn và gia đình.
Thảo Nguyên