Sản xuất vắc xin giả
Gần đây nhất, vụ việc Trung Quốc công bố công ty làm giả vắc xin “3 trong 1” dành cho trẻ sơ sinh đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ và hoang mang.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Cục quản lý Dược và Thực phẩm Cát Lâm (Trung Quốc) đã phát hiện Công ty nghiên cứu kỹ thuật sinh học Trường Sinh ở Cát Lâm làm giả khoảng 252.600 liều vắc xin DPT "3 trong 1" (vắc xin dùng cho trẻ sơ sinh để phòng 3 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván) để cung cấp cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Sơn Đông.
Hiện chưa rõ bao nhiêu trẻ em đã sử dụng số vắc xin giả của công ty Trường sinh thông qua cơ sở y tế trên.
Trước đó khoảng 5 ngày, cơ quan quản lý dược phẩm Cát Lâm cũng phát hiện công ty Trường Sinh làm giả số liệu về việc sản xuất khoảng 113.00 liều vắc xin phòng bệnh dại. Vi phạm này được xem là rất nghiêm trọng, đến mức Cơ quan quản lý Dược phẩm Trung Quốc phải thu hồi giấy phép hoạt sản xuất vắc xin phòng dại và tiến hành điều tra hình sự.
Trường Sinh là cái tên mới nhất trong một loạt bê bối sản xuất dược phẩm ở Trung Quốc trong những năm qua.
Tháng 11/2017, cơ quan quản lý dược tiết lộ một nhà sản xuất vắc xin lớn là viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán đã bán hơn 400.000 liều DPT kém chất lượng tới các tỉnh Trùng Khánh và Hà Bắc. Chưa rõ đã có bao nhiêu trẻ em đã được tiêm những liều thuốc này và cho đến nay, hình phạt đối với viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán chưa được công bố.
Thuốc điều trị cao huyết áp của Trung Quốc chứa chất gây ung thư
Mới đây, Cục quản lý thực phẩm và thuốc của Mỹ (FDA) lo lắng thuốc điều trị cao huyết áp do Trung Quốc sản xuất (valsartan) có chứa chất nitrosodimethylamine (NDMA) và bị yêu cầu thu hồi.
NDMA gây ung thư ở động vật, tuy nhiên các tài liệu chưa chứng minh được liệu nó có gây ung thư cho người hay không. Sản phẩm thuốc bị thu hồi lần này là do Công ty sản xuất thuốc Hoa Hải Chiết Giang (Zhejiang Huahai Pharmaceutical ) sản xuất. Loại thuốc này dùng để điều trị cao huyết áp nguyên phát mức độ nhẹ và trung, chủ yếu được bán tại thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Nga và Nam Mỹ.
|
Một trong 23 loại thuốc tim mạch chứa thành phần gây ung thư bị thu hồi tại Việt Nam. Ảnh: Internet. |
Tại Việt Nam, valsartan được nhiều công ty nhập từ Trung Quốc để sản xuất thuốc và ghi tên thương hiệu khác nhau. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ghi nhận có 23 loại thuốc trên thị trường trong nước chứa thành phần valsartan nguy cơ ung thư. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược đình chỉ lưu hành 23 loại thuốc này.
Cục quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) từ lâu đã kiểm chứng ra valsartan chứa chất gây ung thư, sau đó các cơ quan quản lý dược phẩm nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc liên tiếp tuyên bố thu hồi valsartan.
Bắt đường dây buôn vắc xin hết hạn dùng
Tháng 3/2016, cảnh sát Sơn Đông (Trung Quốc) công bố đã bắt giữ đường dây buôn bán vắc xin hết hạn hoặc không được bảo quản đúng cách trị giá hơn 570 triệu nhân dân tệ tại hơn 20 tỉnh từ năm 2011.
|
Vắc xin hết hạn gây rúng động Trung Quốc. Ảnh: Time. |
Theo Tân Hoa Xã, cảnh sát đã điều tra 3 công ty dược phẩm có liên quan đến vụ bê bối này. Trong số này, Công ty Shandong Zhaoxin Bio-tech đã bị thu hồi giấy phép và buộc ngừng hoạt động.
Đường dây này đã buôn bán ít nhất 12 loại vắc xin như bại liệt, quai bị, dại, viêm gan B, viêm não mô cầu cùng 2 globulin miễn dịch và một sản phẩm điều trị.
Theo Báo South China Morning Post, cầm đầu đường dây này là cựu dược sĩ 47 tuổi họ Pang và con gái của bà ta, đã tốt nghiệp trường Y, cả hai mẹ con bị cảnh sát bắt giữ từ tháng 4/2015 do kinh doanh trái phép vắc xin mua từ những kẻ buôn lậu, sau đó bán lại cho hàng trăm nhà bán lẻ khác trên khắp Trung Quốc.
Tuy nhiên, một năm sau vụ việc mới được chính quyền tỉnh Sơn Đông công khai khiến dư luận Trung Quốc rất phẫn nộ.
Thảo Nguyên (TH)