Quả la hán hay còn được gọi là la hán quả hay giả khổ qua có tên khoa học là Momordica grosvenori Swingle thuộc họ Bí.
Quả la hán có vỏ cứng nhỏ với đường kính khoảng 4 - 6 cm, hình cầu hoặc hình hơi trái xoan. Khi được đem phơi và sấy khô thì vỏ chuyển sang sắc nâu vàng hoặc nâu sẫm, bên ngoài bóng và được bao phủ bởi một lớp lông nhung mỏng. Bên trong quả có thịt, nhiều hạt. Lớp vỏ già bên ngoài khá giòn, dùng tay bóp nhẹ có thể vỡ ra để lộ ra lớp thịt màu trắng ngà, chất xốp nhẹ. Bên trong lớp vỏ có 10 vân sợi chạy xuống theo chiều dọc. Hạt hình tròn, bẹt, ở giữa hơi trũng xuống tạo thành một cái rãnh nhỏ.
Trước đây la hán là loại cây mọc hoang nhưng hiện tại đã được chứng minh có nhiều giá trị đối với sức khoẻ nên được trồng trọt rộng rãi.
Giá trị dinh dưỡng của quả la hán
Theo Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), 1 quả la hán (0,8g) cung cấp:
- Calo: 0
- Chất béo: 0g
- Natri: 0g
- Carbohydrate: 0,8g
- Chất xơ: 0g
- Đường: 0g
- Chất đạm: 0g
- Carbs
- Vitamin C
Ngoài ra, trong la hán quả có chứa hợp chất gọi là mogroside, một hợp chất có thể giúp duy trì quá trình chuyển hóa đường trong máu.
Lợi ích sức khỏe của quả la hán
Theo Đông Y, quả la hán có vị ngọt, tính mát, không chứa độc. Công dụng: Thanh nhiệt, giảm sốt, long đờm, chữa ho, dịu cổ họng, giải độc, nhuận trường, giải khát, …
Theo y học hiện đại, quả la hán được nghiên cứu và nhận thấy có nhiều lợi ích tiềm năng đối với sức khoẻ.
- Tốt cho người tiểu đường
Quả la hán có vị ngọt từ các hợp chất tự nhiên được gọi là mogroside, chất này thường an toàn cho những người mắc bệnh tiểu đường vì nó không làm tăng lượng đường trong máu. Hơn nữa, các nghiên cứu trên động vật cho thấy chiết xuất từ quả la hán có đặc tính hạ đường huyết và insulin. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu trên người để đi đến kết luận chính xác.
- Giúp giảm cân
Quả la hán không có calo và chất béo, vị ngọt của loại quả này cũng là chất ngọt lành mạnh. Vì vậy đây là một lựa chọn tuyệt vời cho những người đang trong quá trình giữ và giảm cân.
- Làm giảm các triệu chứng của dị ứng
Khi cơ thể chúng ta tiếp xúc với thứ gì đó gây ra phản ứng tiêu cực, các tế bào mast sẽ giải phóng nhiều chất hóa học vào hệ thống, một trong số đó là chất histamine. Đây là nguyên nhân gây ra các phản ứng như ho, kích ứng, viêm và các triệu chứng dị ứng khác. Trong khi đó chiết xuất quả la hán đã được chứng minh là có thể ngăn chặn hoạt động bất lợi này của tế bào mast, do đó loại bỏ histamine và điều trị các bệnh dị ứng thông thường.
- Chứa các chất chống oxy hóa mạnh mẽ
Quả la hán chứa nhiều chất chống oxy hóa, đó là lý do tại sao loại quả này được gọi là “trái cây trường thọ”. Chất chống oxy hóa trong quả la hán giúp cơ thể tự bảo vệ để chống lại các gốc tự do và các bệnh khác nhau. Đồng thời xây dựng khả năng bảo vệ để giảm thiểu mọi khả năng mắc các bệnh như bệnh đường hô hấp. Vì vậy, việc bổ sung quả la hán vào chế độ ăn uống có thể là một lựa chọn thông minh mà bạn nên cân nhắc.
- Có đặc tính chống ung thư
Một nghiên cứu năm 2016 phát hiện ra rằng chiết xuất từ quả la hán có thể ngăn chặn sự phát triển của ung thư đại trực tràng và ung thư vòm họng.
Tác dụng chống oxy hóa của hợp chất mogroside cũng làm giảm tổn thương DNA do các gốc tự do - yếu tố mà các nhà khoa học cho là có liên quan đến sự phát triển ung thư.
Tuy nhiên, nghiên cứu về tác dụng của quả la hán trong phòng chống ung thư vẫn còn nhiều hạn chế.
- Cải thiện sức khỏe tim mạch
Sự hiện diện của các hợp chất hữu cơ trong quả la hán giúp ngăn chặn quá trình oxy hóa cholesterol, đây là điều xảy ra trước khi cholesterol chuyển thành mảng bám bên trong mạch máu và động mạch. Từ đó có khả năng giảm thiểu nguy cơ đột quỵ và đau tim bằng cách ngăn ngừa sự phát triển của xơ vữa động mạch.
Một số bài thuốc trị bệnh từ quả la hán
- Bài thuốc trị viêm họng: Bài thuốc này rất đơn giản, sử dụng quả la hán, thái nhỏ rồi hãm với nước sôi, người bị viêm họng sử dụng nước này thay cho nước uống hằng ngày sẽ giúp giảm đau họng rất tốt.
- Trị khàn tiếng: Lấy một quả la hán, thái nhỏ từng miếng đem đi sắc lấy nước uống 2 đến 3 lần trong ngày hoặc có thể uống dần mỗi lần một ít. sẽ giúp người bệnh nhanh chóng lấy lại tiếng.
- Chữa táo bón: Người mắc bệnh táo bón có thể sử dụng quả la hán để điều trị bằng cách lấy quả la hán sắc nước rồi pha thêm chút mật ong uống trong ngày, bài thuốc y học cổ truyền này có công dụng trị táo bón cực kỳ hiệu quả.
- Bài thuốc hỗ trợ trị bệnh lao: Sử dụng 60g la hán với 100g thịt lợn nạc, đem hầm cùng nhau và sử dụng cùng với bữa ăn hằng ngày, có công dụng bổ phế, hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh lao.
Theo Minh Hoa/Người Đưa Tin