Quả la hán còn được biết đến với các tên khác như quả mộc miết, la hán quả (tên tiếng Anh là monkfruit), thuộc họ bí, được coi là đặc sản vùng Quảng Tây, Trung Quốc.
Quả la hán có lớp vỏ cứng, trái tròn, bao phủ bởi lớp lông mịn, quả vị ngọt tính mát, vừa dùng như một vị thuốc vừa dùng làm thực phẩm, thức uống giải nhiệt. Từ lâu, lợi ích sức khỏe của quả la hán rất được đánh giá cao, thậm chí được mệnh danh là “vua bổ phổi”.
Theo Y học Cổ truyền, quả la hán vị ngọt mát, thanh nhiệt, bổ phổi, có lợi cho đường tiêu hóa. Cụ thể, quả la hán có tác dụng thanh nhiệt bổ phổi, khử đờm giảm ho, thông cổ họng, thông phế, làm trơn ruột, dễ đại tiện.
|
Quả la hán được mệnh danh là loại quả "vua bổ phổi" nhờ tác dụng bổ phổi, làm giảm triệu chứng ho, hen suyễn, nhiều đờm,... Ảnh: ABLW |
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu cho thấy 100g quả la hán chứa khoảng 25-38% đường, mogrosid, 8-13g protein, 510mg vitamin C. Đặc biệt, quả la hán chứa thành phần có thể bảo vệ đường huyết, hạ lipid máu, chống oxy hóa, ức chế sự phát triển của vi khuẩn, ngăn ngừa viêm nhiễm và ung thư. Sử dụng quả la hán đúng cách mang lại nhiều lợi ích sức khỏe ấn tượng.
Giải nhiệt, sinh tân dịch: Quả la hán vừa là một vị thuốc vừa có thể sử dụng như một thực phẩm, tính lạnh, có tác dụng sinh tân dịch, làm dịu cơn khát. Quả la hán chứa thành phần rất có lợi trong việc thông họng, thúc đẩy tiết nước bọt, giảm khô miệng,...
Thanh nhiệt, bổ phổi: Chất mogrosid trong quả la hán có tác dụng như một chất chống oxy hóa cực mạnh. Chất này được chứng minh giúp làm chậm quá trình lão hóa, bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do, ngừa bệnh.
Cùng với tính mát, sử dụng quả la hán pha trà uống đúng cách giúp giải nhiệt, bổ phổi rất tốt. Nó cũng có tác dụng ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng như ho, hen suyễn, nhiều đờm, ho khan không đờm. Trà quả la hán đặc biệt thích hợp cho những người thường xuyên hút thuốc, uống rượu.
|
Những người tỳ vị hư nhược, các vấn đề tiêu hóa không nên tự ý dùng quả la hán. Ảnh: ABLW
|
Nhuận tràng: Thành phần quả la hán có tác dụng thanh nhiệt, làm sạch đường ruột, giảm táo bón.
Đáng lưu ý, chất glycoside trong quả la hán là chất làm ngọt tự nhiên. Độ ngọt của nó thậm chí cao hơn so với đường sucrose song tiêu thụ hợp lý sẽ không gây biến động lượng đường trong máu. Nhờ vậy, bệnh nhân mỡ máu cao, huyết áp cao, bệnh tiểu đường vẫn có thể sử dụng chúng.
Quả la hán tốt cho sức khỏe song không phải dùng bao nhiêu cũng được. Theo đó, quả la hán có tính lạnh, những người tỳ vị hư hàn, người có các vấn đề tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy không nên dùng. Ngay cả người khỏe mạnh cũng không nên dùng thời gian dài.
Sử dụng trà la hán, mỗi lần bạn chỉ nên dùng nửa trái nấu với 1 lít nước. Bản chất của quả la hán là một vị thuốc, không nên tự ý sử dụng. Nếu pha trà, mỗi tuần nên uống 2-3 lần.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Cẩn trọng với chất lượng nước uống đóng bình giá rẻ
Định Tâm (Theo ABLW)