Gừng là một trong những hương vị ẩm thực phổ biến nhất trên thế giới. Mùi thơm mạnh mẽ, vị cay nồng nàn của gừng là một yếu tố thiết yếu trong các món ăn Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Nhật Bản...
Tuy nhiên, loại gừng Myoga lại ít được nhiều người biết đến. Loại gừng này được trồng nhiều ở Trung Quốc, đa phần họ sử dụng cho heo ăn. Ở Việt Nam, loại gừng này mọc nhiều trên núi ở vùng Tây Bắc, được người Mông gọi là "Chí Cống". Nhiều người sử dụng phần chồi để ngâm muối và đem bán với giá 60 nghìn đồng/1 lọ nhỏ.
Loại cây này thường sinh trưởng vào mùa hè và mọc mầm trên đất. Myoga có hương thơm nồng nàn, cảm giác rất dễ chịu như lá bạc hà. Nếu cắt vụn thành từng miếng nhỏ, người ăn sẽ ngửi thấy được mùi thơm khoan khoái của nó tỏa ra.
Ở Nhật, hầu hết gừng Myoga được sử dụng để trang trí bởi nó có sắc đỏ rực rỡ. Đặc biệt khi thêm vào salad rau xanh, mì lạnh, súp miso, mì soba, somen… thì nó tôn thêm sự hấp dẫn của món ăn.
Phần chồi là bộ phận được tiêu chụ chính của gừng Myoga, phần thân cây non (phần dưới mặt đất hoặc chồi non bên trên) cũng rất mềm, có thể ăn được. Hầu như các bộ phận nào cũng gừng Myoga cũng đều được chế biến hoặc được sử dụng triệt để. Ở một số nơi, lá của nó cũng được sử dụng làm giấy gói.
Được biết, chất tạo mùi của Myoga tự nhiên (α-Pinene) được cho là có tác dụng tăng mức độ tập trung bằng cách kích thích vỏ não, α-Pinene cũng thúc đẩy tuyến mồ hôi, giúp lưu thông máu. Bên cạnh đó hàm lượng dưỡng chất như canxi, vitamin C, kali, chất xơ cũng được cho là làm gia tăng sự thèm ăn, giảm đau lưng dưới, đau thần kinh và thấp khớp. Trong đông y, Myoga được coi là loại thực phẩm hiệu quả chữa trị chứng mất ngủ và kinh nguyệt không đều.
Nhật Bản xem gừng Myoga như "nhân sâm châu Á", một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe.
Theo Thùy Dương / Bảo Vệ Công Lý