Sáng 24/6, ông Hà Văn Hùng, phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, cho biết đang thực hiện các biện pháp cách ly, khử trùng, tiêm vắcxin phòng bệnh do địa phương có thêm một ổ dịch bạch hầu mới tại xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong.
Điều đáng lo ngại là ổ dịch mới này không có mối liên quan đối với hai ổ dịch xảy ra tại huyện Krông Nô và xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong) nên địa phương phải tập trung rà soát nguồn lây bệnh để đảm bảo ngăn chặn kịp thời các điểm mới.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông, đến sáng 24/6, Việt Nam đã có 12 ca dương tính với bạch hầu gồm 4 ca tại huyện Krông Nô đã được điều trị; 5 ca ở xã Quảng Hòa (trong đó có 1 ca tử vong) và 3 ca ở ổ dịch mới tại xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong.
|
Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Ảnh: Internet. |
Dấu hiệu nhân biết bệnh bạch hầu
Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Nông, các ổ dịch bệnh bạch hầu thời gian gần đây thường xuất hiện tại các khu dân cư có điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, phần lớn người Mông ở các khu vực bệnh dịch có tỉ lệ tiêm chủng cực thấp. Chưa kể việc xác định nguồn lây bệnh đang gặp khó vì các trường hợp mắc bệnh đều không di chuyển khỏi địa phương (14 ngày theo quy định).
Ông Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, cho biết bạch hầu là bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao và lây lan rất nhanh. Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan.
Triệu chứng bệnh khá rõ ràng, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng lạ như ho sốt, mất tiếng, khàn giọng, đau họng. Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng phải đi kiểm tra, xét nghiệm để báo cơ quan chức năng sớm dập dịch, tránh lây lan trên diện rộng.
Bệnh bạch hầu thường khởi đầu như một đợt cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm amidan hay viêm thanh quản và có thể sẽ thấy lạ là bệnh này cũng có thể biểu hiện như một bệnh nhiễm trùng da.
Người mắc bệnh bạch hầu thường có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Độc tố bạch hầu gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng sáu ngày. Tỉ lệ tử vong khoảng 5-10%. Tỉ lệ tử vong có thể cao hơn với trẻ em dưới 15 tuổi.
Mời độc giả xem video "Nhiều hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư". Nguồn: VTC14.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Vì thế, việc cách ly y tế để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh.
TS Đặng Quang Tấn khuyến cáo: “Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế”.
Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó, người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Thảo Nguyên (TH)