Ổ dịch bạch hầu tại Đắk Nông: Biến chứng “chết người” và cách phòng

Google News

(Kiến Thức) - Ngày 15/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh này đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh người dân không nên chủ quan trong việc nhận biết và phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cho biết tính đến ngày 15/6, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bạch hầu.  Tất cả các trường hợp này đều cư trú tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông và hiện đang được cách ly, điều trị tại 2 cơ sở y tế.
Theo đó, 3 bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh bạch hầu cùng học tại Trung tâm bảo trợ xã hội nhà May Mắn tỉnh Đắk Nông (địa chỉ tại thôn Đức Lập, xã Đắk Sor, huyện Krông Nô). Các bệnh nhân này từ 9 - 15 tuổi và đều có tiền sử tiêm 3 mũi vắc xin có thành phần bạch hầu - uốn ván - ho gà. Từ ngày 3/6 - 6/6/2020, các bệnh nhân khởi phát bệnh với triệu chứng sốt, đau họng, biếng ăn, nôn ói.
Sau đó, cả 3 bệnh nhân này được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho thấy dương tính với vi khuẩn Corynebacterium Diphtheriare. Hiện tại, cả 3 bệnh nhân này đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tình trạng sức khỏe ổn định. Kết quả xét nghiệm lần 2 đã âm tính.
Riêng trường hợp bệnh nhân số 4 (66 tuổi) là bà nội và sống cùng với một trong 3 bệnh nhân trên trong thời gian cháu từ Trung tâm bảo trợ xã hội nhà May Mắn tỉnh Đắk Nông về nhà chơi. Bệnh nhân này không xuất hiện triệu chứng, được uống thuốc dự phòng rồi lấy mẫu xét nghiệm. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Krông Nô với tình trạng sức khỏe ổn định và đã có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính.
O dich bach hau tai Dak Nong: Bien chung “chet nguoi” va cach phong
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông cho biết tính đến ngày 15/6, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Ảnh minh họa. 
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, hiện tại, tình hình bệnh bạch hầu tại huyện Krông Nô cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên dự báo sẽ diễn biến phức tạp vì đây là giai đoạn đầu của bệnh, các đối tượng có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân (khi chưa phát bệnh) khá nhiều, một số đối tượng có trở về địa phương và có khả năng sẽ tiếp xúc với nhiều người khác sau khi đã tiếp xúc với ca bệnh dương tính. Dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc tại Trung tâm Trung tâm bảo trợ xã hội nhà May Mắn tỉnh Đắk Nông nếu không kịp thời cách ly và điều trị dự phòng bằng kháng sinh.
Hiện tại ngành Y tế Đắk Nông phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đang tiến hành các biện pháp y tế cần thiết để khử trùng, khử khuẩn các địa điểm có nguy cơ đồng thời tiến hành điều trị dự phòng bằng kháng sinh trong dự phòng bệnh bạch hầu cho 435 đối tượng đang có mặt tại Trung tâm bảo trợ xã hội nhà May Mắn và cộng đồng.
Biến chứng nguy hiểm của bạch hầu
Bạch hầu là 1 bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Người mắc bệnh bạch hầu thường có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng và có thể dẫn đến tử vong trong vòng 6 ngày. Biến chứng thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.
Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường rất đen tối, tỉ lệ tử vong rất cao.
O dich bach hau tai Dak Nong: Bien chung “chet nguoi” va cach phong-Hinh-2
Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Ảnh minh họa.
Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và thường hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì biến chứng khác. Liệt màn khẩu cái (màn hầu) thường xuất hiện vào tuần thứ ba của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành có thể xảy ra vào tuần thứ năm của bệnh. Viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả của liệt cơ hoành.
Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi.
Tử vong vào khoảng 5-10% có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi. Tỉ lệ tử vong của bệnh bạch hầu dường như không thay đổi trong 50 năm qua.
Dấu hiệu nhận biết bạch hầu
Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường sẽ xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Một số người sẽ không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào trong khi một số người khác sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ và thường bị nhầm là cảm lạnh thông thường.

Mời độc giả theo dõi video "Ăn uống thế nào để phòng tránh ung thư?". Nguồn: VTC14.

Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:
Sốt
Ớn lạnh
Sưng các tuyến ở cổ
Ho như chó sủa
Viêm họng, sưng họng
Da xanh tái
Chảy nước dãi
Có cảm giác lo lắng, sợ hãi.
Dấu hiệu bệnh bạch hầu có dễ nhận biết?
Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan
Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể sẽ xuất hiện thêm trong quá trình bệnh tiến triển, bao gồm:
Khó thở hoặc khó nuốt
Thay đổi thị lực
Nói lắp
Các dấu hiệu sốc, ví dụ như da tái và lạnh, vã mồ hôi và tim đập nhanh
Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu
Hiện nay, đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỷ lệ 3% những người mắc bệnh bạch hầu tử vong, tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.
O dich bach hau tai Dak Nong: Bien chung “chet nguoi” va cach phong-Hinh-3
Hiện nay, tiêm vắc-xin là giải pháp phòng bệnh bạch hầu hiệu quả và an toàn nhất.  
Bệnh bạch hầu lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vắc-xin dự phòng. Năm 1923, vắc-xin giải độc tố bạch hầu ra đời và từ đó đến nay tính nghiêm trọng của bệnh dịch đã thay đổi trên toàn thế giới.
Hiện nay, tiêm vắc-xin là giải pháp phòng bệnh hiệu quả và an toàn nhất. Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu thường được tiêm phối hợp với vắc-xin phòng uốn ván và ho gà trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc phối hợp trong vắc-xin 5 trong 1, vắc-xin 6 trong 1.
Thảo Nguyên (TH)