Chưa bao giờ vấn đề xâm hại tình dục trẻ em lại nhức nhối đến thế. Theo bà Lê Thị Hồng Thái - trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh) từ năm 2011-2016 trên địa bàn có 89 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó xâm phạm thân thể chiếm 35 vụ.
Thông thường khi vụ việc xâm hại được phát hiện, tâm lí chung của gia đình nạn nhân là chỉ muốn sớm đưa tội phạm ra trước pháp luật để nhận hình phạt thích đáng còn việc làm sao để hồi phục tâm lí và giúp bé vượt qua cú sốc tinh thần chưa được quan tâm đúng mực.
|
Lam sao de vuot qua khung hoang bi xam hai tinh duc? Việc phục hồi tinh thần cho trẻ sau cú sốc nên là mối quan tâm hàng đầu. (Ảnh minh họa) |
Theo anh Nguyễn Xuân Huy - trưởng phòng Can thiệp hỗ trợ, Trung tâm công tác xã hội Quảng Ninh, trẻ bị xâm hại tổn thương rất lớn về tinh thần và thể chất dẫn đến hoảng loạn thậm chí là nảy sinh suy nghĩ tự tử. Với những trường hợp thế này phải mềm mỏng tư vấn tâm lí để các em nhận ra đây không phải là lỗi của mình và không tự trách bản thân. Song song với việc ổn định hoạt động hằng ngày thì cũng cần phối hợp với mọi người xung quanh để bảo mật thông tin, tránh sự việc lan rộng càng làm trẻ tổn thương .
Với chính sách mới ở tỉnh Quảng Ninh, mỗi trường hợp bị xâm hại sẽ được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng để có thêm chi phí trang trải trong khoảng thời gian khó khăn này, đồng thời các chuyên viên công tác xã hội sẽ hỗ trợ liên hệ với các tổ chức giúp vay vốn, hay kêu gọi sự quan tâm từ nhà trường.
Cũng theo anh Huy chia sẻ thêm, các chuyên viên sẽ sẵn sàng giúp các em trị liệu tâm lí, trở thành một người bạn thân thiết để các em nói lên tâm tư tình cảm của mình và quan trọng hơn thảy là giúp trang bị kĩ năng ứng phó với những lời trêu chọc mà các em phải đối mặt.
Việc can thiệp trị liệu tâm lí cần được thực hiện một cách kịp thời để thực sự trở thành một chiếc phao cứu sinh giúp các em có đủ tự tin vượt qua trở ngại tâm lí và phát triển bình thường như mọi đứa trẻ khác.
Theo Bush/TT&VH