Lợi ích khi ăn tôm
Ngăn ngừa bệnh về xương
Tôm là nguồn cung cấp nhiều canxi nhất trong số các sinh vật biển. Một con tôm tươi chứa khoảng 52 mg canxi, 37 mg magie và 152 IU vitamin D.
Tất cả hợp chất quan trọng này góp phần duy trì sức khỏe xương và giúp ngăn ngừa vấn đề sức khỏe như loãng xương, viêm xương khớp.
Bảo vệ mắt
Những loại thực phẩm giàu carontenoid như lutein, meso-Zeaxanthin, β-carotene, vitamins C, vitamin E và axit béo omega đều có khả năng bảo vệ sức khỏe mắt. Các hợp chất này sở hữu đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, duy trì sức khỏe dây thần kinh và bảo vệ mạch máu.
Giàu hợp chất chống ung thư
Lipid trong tôm giàu chất carotenoid và axit béo không bão hòa đa (PUFAs). Một số nghiên cứu đã chứng minh loại hải sản này có tính chống ung thư nhờ sở hữu một lượng lớn hợp chất chống oxy hóa, chống viêm và chống suy nhược mạnh mẽ.
Bảo vệ sức khỏe gan
Astaxanthin hiệu quả hơn gấp 100 lần so với vitamin E trong việc ngăn ngừa quá trình peroxy hóa lipid và làm giảm tích tụ mỡ trong gan. Trong một thí nghiệm trên động vật tại Đại học Pennsylvania's Perelman, các chuyên gia nhận thấy, astaxanthin có khả năng điều chỉnh các gen liên quan đến quá trình sản sinh lipogen và lipid mà không ảnh hưởng tới các gen liên quan đến quá trình oxy hóa axit béo trong gan.
Sai lầm cần tránh khi ăn tôm
Ăn tôm chết lâu
Tôm tươi rất giàu histidine, nhưng khi chết histidine bị vi khuẩn phân hủy thành chất histamine gây hại cho cơ thể con người. Ngoài ra, tôm thường chứa vi khuẩn gây bệnh và các chất độc hại trong dạ dày và ruột nên sau khi chết nó sẽ rất nhanh bốc mùi, hư hỏng, không thể ăn được. Tôm chết càng lâu, chất độc tích lũy trong tôm càng nhiều, cố ăn có thể xảy ra ngộ độc.
Ăn quá nhiều tôm một lúc
Nếu ăn tôm quá nhiều, chúng ta sẽ bị thừa chất, gây rối loạn tiêu hóa, chướng bụng, khó tiêu, dẫn đến tiêu chảy… Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyên mọi người chỉ nên ăn khoảng 170 gram tôm mỗi tuần.
Ăn tôm sống
Các loại hải sản như cua, ốc, tôm, cá có thể nhiễm ấu trùng sán, trứng sán thể bám vào các loại rau thủy sinh. Nếu ăn những thực phẩm này mà không được nấu chín sẽ khiến sán, ấu trùng chui vào cơ thể, nguy hiểm nhất là chui lên não.
Thực phẩm không nên ăn cùng tôm
Tôm không ăn cùng bí ngô: Có thể gây ra bệnh kiết lỵ.
Tôm không dùng cùng nước ép: Có thể gây tiêu chảy hoặc ngộ độc.
Tôm không ăn cùng thực phẩm giàu vitamin C: Chất asen có trong tôm khi kết hợp với thực phẩm giàu vitamin C rất dễ tạo ra chất độc gây chết người.
Tôm không kết hợp với đậu nành: Sẽ gây khó tiêu.
Tôm không ăn cùng cà chua số lượng lớn: Gây ra ngộ độc thực phẩm.
Hạn chế ăn thịt gà và tôm: Có thể gây ngứa ngáy.
Những người không nên ăn tôm
Người đang bị ho
Nếu ăn tôm mà không bóc vỏ, bỏ càng thì vỏ tôm và càng sắc nhọn sẽ dễ mắc ở cổ họng, gây ngứa và tình trạng ho trở nên nghiêm trọng hơn.
Người bị dị ứng với tôm
Tôm vốn là thực phẩm giàu protein, cho nên một số người bị dị ứng với tôm sẽ nổi mẩn đỏ hoặc nổi các nốt sưng. Bạn hãy chú ý hiện tượng này để hạn chế hoặc không ăn.
Người bị cường giáp nên ăn ít tôm
Trong tôm có chứa nhiều iốt, có thể khiến tình trạng bệnh cường giáp trở nên trầm trọng hơn.
Người dễ bị tiêu chảy
Những người dễ bị tiêu chảy và yếu bụng thì tốt nhất nên ăn ít hải sản, trong đó có tôm để tránh xảy ra hiện tượng đau bụng và tiêu chảy.
Bệnh nhân gút bị bệnh gút, tăng axit uric máu và viêm khớp
Những người này không nên ăn tôm vì dễ gây lắng đọng tinh thể axit uric trong khớp làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Những bộ phận của tôm không nên ăn
Đường chỉ đen trên lưng tôm
Đường chỉ màu đen hoặc trắng ở lưng tôm còn được gọi là chỉ tôm. Đây chính là đường tiêu hóa của tôm chứa dạ dày và đại tràng. Đường này thường chỉ nhìn thấy ở những con tôm to. Ăn đường chỉ tôm không có hại gì đến sức khỏe, bởi các vi khuẩn trong chỉ tôm đã chết ở nhiệt độ cao khi nấu. Tuy nhiên bạn nên loại bỏ đường chỉ tôm để món ăn được sạch và yên tâm hơn.
Vỏ
Sự thật là canxi trong vỏ tôm gần như không có hoặc có rất ít. Vỏ tôm cứng do có thành phần chính là chitin, một dạng polymer cấu thành lớp vỏ cho phần lớn các loài giáp xác. Nguồn canxi chủ yếu của tôm là từ thịt tôm. Ngoài ra, vỏ của một số loài tôm tương đối khó tiêu hóa, tuyệt đối không cho trẻ nhỏ ăn bởi dễ bị hóc.
Đầu
Đầu là phần chứa chất thải của tôm và tích tụ nhiều kim loại nặng như asen. Đối với phụ nữ mang thai, độc tính của kim loại nặng asen thường rất mạnh, ăn nhiều có thể dẫn đến dị tật thai nhi hoặc sảy thai. Tôm to cần chế biến sạch, loại bỏ đầu để đảm bảo an toàn. Khi mua tôm cần quan sát phần đầu. Nếu đầu tôm chuyển màu đen có khả năng nhiễm kim loại, các chất độc hại, ký sinh trùng.
Theo Thanh Huyền/Tiền Phong