Nanocovax là tên của vắc xin ngừa COVID-19 "made in Việt Nam", khoảng 1 ngày nữa sẽ chính thức thử nghiệm lâm sàng trên người. Điều mà dư luận quan tâm hiện nay là mức giá cho 2 mũi tiêm này là bao nhiêu?
Dự kiến có khoảng 40 người tình nguyện khỏe mạnh sẽ được tiêm thử nghiệm những mũi vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên. Đây là một bước tiến đáng ghi nhận trong hành trình sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam.
Trao đổi với Lao Động, đại diện Công ty Nanogen cho biết, trường hợp đưa vào đại trà, đơn vị này có thể sản xuất được 2 triệu liều/năm ở giai đoạn đầu. Sau đó, trong quá trình vận hành, công suất sẽ được nâng lên mức 30-50 triệu liều/năm. Vắc xin này có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường (2-8 độ C), thay vì ở nhiệt độ từ -50 đến -80 độ C như vắc xin của một số nước trên thế giới.
Đại diện Công ty Nanogen cho biết thêm, đơn vị sẽ cố gắng phối hợp với các cơ quan liên quan để đưa vắc xin vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế nên mức giá dự kiến không quá 500.000 đồng/người. Mỗi người sẽ tiêm 2 mũi, cách nhau 28 ngày. Đây là dạng vắc xin cúm, có tác dụng miễn dịch trong vòng một năm.
Khi thử nghiệm trên chuột, vắc xin Nanocovax có tác dụng phụ nhưng không đáng kể. Có biểu hiện ngứa, kích ứng ở vị trí tiêm. Tác dụng phụ này hết sau 30 phút. Kết quả giải phẫu cho thấy không có cơ quan nào bị tổn thương.
Hiện đã có nhiều người đăng ký thử nghiệm vắc xin giai đoạn 1. Học viện Quân Y (Hà Nội) đã tuyển đủ 40 tình nguyện viên. Đây là những người khỏe mạnh, không có bệnh nền và độ tuổi từ 18 đến 50.
Dự kiến, giai đoạn 2 sẽ được thực hiện khi có hồ sơ kết luận vắc xin an toàn trên người từ kết quả thử nghiệm của giai đoạn 1. Giai đoạn 2 có thể thử nghiệm trên diện rộng hơn, với khoảng 400 người và kéo dài hơn 3 tháng.
Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (trụ sở tại Khu công nghệ cao, quận 9, TPHCM) là 1 trong 4 đơn vị ở Việt Nam đang thực hiện đề án nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng chống COVID-19.
Công ty đã nghiên cứu sản xuất thành công 4 loại kháng thể dựa trên trình tự của 4 loại kháng thể được phân lập từ các bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi.
Cụ thể, thay vì tạo ra một loại kháng thể, công ty tạo ra 4 loại kháng thể sử dụng thành một chuỗi hỗn hợp và được bào chế thành hai loại sản phẩm gồm tiêm và xịt, có khả năng khóa được nhiều vị trí ngăn virus xâm nhập vào tế bào.
Ngoài ra, công ty cũng đã phát triển xong và có khả năng sản xuất chế phẩm scFv và peg-scFv kháng RBD của protein S của SARS-CoV-2. Các mẫu đều được chuyển Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đánh giá tính an toàn, trước khi được Bộ Y tế đồng ý cho thử nghiệm lâm sàng.
Để thực hiện đề án nghiên cứu này, Nanogen đã đầu tư 120 tỉ đồng, trong đó 75 tỉ đồng phục vụ các công đoạn lâm sàng, còn lại dùng nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị, vật tư.
Theo Anh Nhàn - Thanh Chân/ Lao động