Kênh truyền hình RT dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko ngày 12-9 giải thích đây là cách để chính quyền kiểm tra chuỗi cung ứng nhằm bảo đảm hệ thống vận chuyển hoạt động đồng bộ. Ngoài việc kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin, vấn đề hậu cần, phân phối cũng được xem là ưu tiên.
Vắc-xin Sputnik V do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Gamaleya ở Moscow nghiên cứu, được Nga cấp phép từ tháng 8 và đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 theo quy trình của Tổ chức Y tế thế giới. 40.000 người Moscow đang tham gia thử nghiệm, trong đó 30.000 người được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 và 10.000 người tiêm giả dược.
Trước đó, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của vắc-xin Sputnik V được thực hiện vào tháng 6 và 7, với sự tham gia của 76 tình nguyện viên, cho thấy 100% số người tham gia phát triển kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 và không có tác dụng phụ nghiêm trọng.
|
Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Gamaleya tuyển dụng 40.000 người tình nguyện cho giai đoạn 3 Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Murashko cho biết Bộ Y tế Nga đã phát triển ứng dụng di động cho phép người thử nghiệm vắc-xin báo cáo tình trạng trong suốt quá trình. Theo hãng thông tấn TASS, danh sách những người tham gia tình nguyện tiêm vắc-xin bao gồm nhiều quan chức chính phủ và các chuyên gia nổi tiếng từ mọi lĩnh vực ở Nga và nước ngoài, có cả con gái của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Việc Nga cấp phép cho vắc-xin Sputnik V gây ra nhiều tranh cãi và hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả, một trong những lý do được đưa ra là Nga không tiết lộ bất cứ dữ liệu nào về loại vắc-xin này. Một khảo sát mới đây của Trường Kinh tế Cao cấp Nga (HSE) cho thấy 45,6% người dân Nga sẽ không bao giờ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, bất kể đó là vắc-xin do Nga hay nước ngoài sản xuất.
Tuy nhiên, đầu tháng 9, tạp chí y khoa The Lancet (Anh) công nhận Sputnik V và khẳng định loại vắc-xin do Nga sản xuất có hiệu quả 100% trong việc tạo ra kháng thể. Đánh giá phản ứng miễn dịch, giáo sư dịch tễ học Peter Openshaw thuộc Trường ĐH London xem Sputnik V là một trong những vắc-xin hứa hẹn nhất. Chuyên gia chính sách y tế công cộng Michael Head tại Trường ĐH Southampton của Anh đồng ý rằng vắc-xin của Nga có vẻ "đầy hứa hẹn" nhưng cần phải có các nghiên cứu sâu hơn. Chính phủ Nga ước tính từ năm 2020 đến năm 2021, hơn 1 tỉ người sẽ tiêm Sputnik V trên toàn thế giới.
Cũng trong ngày 12-9, hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca thông báo đã khôi phục tiến trình thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 tại Anh. Trước đó, AstraZeneca cho ngừng toàn bộ thử nghiệm ở các nước do một người tham gia thử nghiệm ở Anh gặp triệu chứng viêm tủy ngang (một tình trạng viêm ở một đoạn của tủy sống). AstraZeneca cho biết ủy ban độc lập đã hoàn tất cuộc điều tra và Cơ quan Quản lý sản phẩm y tế Anh xác nhận đủ an toàn để khôi phục thử nghiệm.
Theo Huệ Bình/NLĐ