Tại hội nghị triển khai các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức sáng 28/9, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết:
Nghị định số 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế ký ban hành ngày 28/9 có hiệu lực từ ngày 15/11 (thay thế nghị định 176) trong đó có một phần về phòng chống tác hại rượu, bia. Cụ thể:
Người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000 - 500.000 đồng.
Phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc); xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia.
Các hành vi như uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu bia cũng bị phạt tiền 1-3 triệu đồng.
|
Phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc); xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia. |
Thực tế, bia rượu từ lâu đã trở thành một phần trong văn hóa "nhậu" của người Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết "vui có chừng, dừng đúng lúc". Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp gây nên các vụ tai nạn thảm khốc. Chính vì thế, sau khi quy định về việc xử phạt người ép uống rượu, bia, các chị em đều bày tỏ sự ủng hộ, tán thành cao. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng quy định này nên được ban hành từ nhiều năm trước, đặc biệt quy định này cũng cần được phổ biến rộng rãi, tăng tính nhận thức cho công dân.
Nhiều bày tỏ sự đồng tình đối với luật Phòng chống tác hại rượu, bia, trong đó có việc xử phạt người ép uống rượu, bia. Nhiều người thở phào nhẹ nhõm vì từ nay sẽ không bị ép uống rượu, bia, sẽ có cớ từ chối hợp lý và hợp pháp.
Ngay khi đọc được luật xử phạt người ép uống rượu, bia, chị Lê Liên (Hà Nội) mừng vui chia sẻ: “Ép uống rượu, bia là xâm phạm quyền tự do của người khác. Ai thích uống thì uống, không uống được nữa thì dừng, không nên ép. Kể cả sếp ép nhân viên hay người có vai vế trong họ hàng ép người bề dưới cũng đều phạm luật! Thật may mắn là có luật cấm rượu bia khi lái xe, luật này sẽ là “cái phao” cho những ai hay bị ép uống vì có lý do hợp pháp để từ chối”.
Chị Minh Châu (ở Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ sự niềm vui khi quy định này có hiệu lực: "Chồng tôi vốn là người không nghiện rượu bia, nhưng khi đi đám cưới, hội họp anh em với nhau không uống thì không được. Vì nể bạn nể bè nên nhiều khi anh quá chén khiến gia đình ở nhà rất lo lắng. Giờ có quy định này thì hay quá. Tôi cho rằng cần xử phạt thật nghiêm mới giảm thiểu tệ nạn, tai nạn được".
Không riêng các chị em đồng tình mà không ít đấng mày râu cũng "mừng thầm" khi quy định này có hiệu lực.
Anh Nguyễn Văn Tâm (35 tuổi, ở Nghệ An) chia sẻ :" Vậy là từ nay tôi có cớ để từ chối nhậu mà không ai dám ép nữa. Quá mừng vì Chính phủ đã đưa ra quy định này”.
"May quá, giờ cứ ai ép mình uống rượu thì tự động nộp phạt luôn 500.000-1 triệu nhé", anh Phạm Thế Anh (Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ sự vui mừng.
Trong khi đó, không ít anh em tiếc nuối vì có thể sẽ mất đi vài bạn nhậu khi quy định có hiệu lực. Một số người còn rủ các "chiến hữu" tranh thủ đi uống trước khi luật mới đi vào thực hành.
Hiện trên các diễn đàn mạng, quy định này vẫn là đề tài được bàn tán rầm rộ.
Thảo Nguyên