Uống rượu bia sau bao lâu thì kiểm tra không còn nồng độ cồn?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều người thắc mắc sau khi uống rượu bao lâu thì không còn nồng độ cồn trong máu, người uống có thể lái xe mà không bị phạt? Điều này phụ thuộc rất nhiều yếu tố như lượng, loại rượu mình uống, sức khỏe của từng người...

Theo quy định của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ 1/1/2020, hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn bị nghiêm cấm.
Với nồng độ cồn từ 0 - 0,24 mg/lít khí thở, người điều khiển xe sẽ bị phạt tiền và giữ giấy phép lái xe. Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000 - 600.000 đồng.
Uong ruou bia sau bao lau thi kiem tra khong con nong do con?
Thời gian từ lúc uống rượu đến khi kiểm tra nồng độ cồn để ra được xét nghiệm âm tính thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Ảnh: Lao động. 
Trước quy định mới, nhiều người thắc mắc sau khi uống rượu bia bao lâu thì không còn nồng độ cồn trong máu, người uống có thể lái xe mà không bị phạt. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, đây là câu hỏi rất khó trả lời chính xác. Vì thời gian từ lúc uống rượu đến khi kiểm tra nồng độ cồn để ra được xét nghiệm âm tính thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố như số lượng, chủng loại, nồng độ rượu sức khỏe, “tửu lượng” của từng người, rượu mình uống, uống càng nhiều thì nồng độ càng cao...
Bác sĩ Nguyên giải thích: “Chúng ta phải cẩn thận, vì có những người uống rượu tối hôm trước mà hôm sau vẫn còn dương tính trong máu và hơi thở. Cách tốt nhất là hạn chế tối đa số lần uống rượu, hạn chế tối đa lượng rượu chúng ta uống để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế lưu ý rằng: Sau 6 - 12 giờ uống bia rượu, nồng độ cồn vẫn đo được trong máu; Sau 12 - 24 giờ, nồng độ cồn vẫn đo được trong khí thở; sau 36 giờ vẫn đo được trong nước tiểu và sau 72 giờ vẫn đo được khi xét nghiệm mẫu tóc.
Hiện nay, cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn dựa trên phương pháp đo qua ống thở, vì vậy, 24 giờ sau khi uống, bạn vẫn có thể bị phát hiện và xử phạt. Trường hợp người nào bị tai nạn giao thông thì khi vào viện, các bác sĩ sẽ lấy mẫu máu để xác định nồng độ cồn ngay.
Thảo Nguyên (TH)