Mới đây, BS Nguyễn Đình Liên, khoa Ngoại - Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho hay các bác sĩ vừa cắt bỏ tinh hoàn cho bệnh nhân nam 14 tuổi. Thiếu niên này bị hoại tử tinh hoàn do xoắn thừng tinh. Đây là trường hợp đáng tiếc do chủ quan, xử lý muộn.
Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng bìu sưng to, đau dữ dội. Chẩn đoán hình ảnh cho thấy tinh hoàn đã hoại tử, không thể cứu chữa.
|
Các loại xoắn thừng tinh. |
Cách đây một thời gian, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế tiếp nhận nam thanh niên 21 tuổi, vào viện vì đau tức vùng bẹn bìu trái. Bệnh khởi phát trước lúc nhập viện khoảng 1 giờ với đau đột ngột dữ dội vùng bẹn bìu trái. Đau càng lúc càng tăng kèm nôn 2 lần, không bí trung đại tiện, không rối loạn tiểu tiện.
Nam thanh niên cho biết trước đó chưa mắc bệnh gì đặc biệt, chưa có lần nào đau tương tự như lần này, không bị chấn thương vùng bẹn bìu trước đố, trước lúc bị đau khoảng 12 giờ, bệnh nhân có chơi thể thao. Bệnh nhân được chẩn đoán xoắn thừng tinh trái. 4 giờ sau khi khởi phát bệnh, bệnh nhân được mổ cấp cứu tháo xoắn, cố định hai tinh hoàn.
Tương tự, bé trai Đỗ Quốc H (6 tuổi, trú tại Văn Lâm, Hưng Yên) được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trong tình trạng sưng đau vùng bẹn bìu trái. Qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện bé bị xoắn tinh hoàn. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để tháo xoắn tinh hoàn nhưng bên tinh hoàn trái đã hoại tử tím đen không còn khả năng bảo tồn nên phải cắt bỏ một bên tinh hoàn cho bé.
Trên thực tế, các bác sĩ cũng tiếp nhận các bệnh nhi chỉ mới 3 tuổi đã bị xoắn tinh hoàn, "hạt cà" của bệnh nhi tím tái.
Các bác sĩ cho biết, xoắn thừng tinh là hậu quả của việc tinh hoàn xoay quanh thừng tinh và tắc nghẽn mạch máu của tinh hoàn. Đây thực sự là một trường hợp cấp cứu ngoại khoa, cần được chẩn đoán nhanh chóng và phân biệt với các nguyên nhân gây đau cấp vùng bẹn bìu như: viêm mào tinh - tinh hoàn cấp, áp xe quanh niệu đạo, hoại tử bìu Fournier, thoát vị bẹn nghẹt... Đã có nhiều trường hợp do chẩn đoán sai làm lỡ cả cơ hội làm cha của bệnh nhân.
Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu niệu khoa khẩn cấp thường gặp ở trẻ em, đặc biệt tuổi sơ sinh và tuổi dậy thì, chiếm tỉ lệ khoảng 1/4.000 nam giới dưới 25 tuổi.
Khả năng bảo tồn "chất lượng hạt cà" phụ thuộc nhiều vào chẩn đoán và xử trí. Nếu muộn thì tinh hoàn sẽ bị hoại tử hoặc teo, ảnh hưởng đến chức năng sinh tinh và nội tiết của tinh hoàn. BS Liên khuyến cáo nếu được điều trị trong vòng 6 tiếng, tinh hoàn sẽ được cứu. Sau 12 tiếng, khả năng cứu chỉ còn 20% và sau 24 tiếng là 0%. Khi lưu lượng máu bị cắt đứt quá lâu, một tinh hoàn sẽ bị hư hỏng hoàn toàn và phải loại bỏ.
Dấu hiệu phát hiện bệnh
Bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn thường có các triệu chứng như sau: cơn đau dữ dội và đột ngột ở một bên tinh hoàn, kéo dài dưới 6 giờ; bìu sưng to; buồn nôn và nôn; đau bụng; một tinh hoàn có thể ở vị trí cao hơn bình thường; đau tinh hoàn có thể đột ngột hết đau dù chưa điều trị do tư thế của bệnh nhân khiến tinh hoàn được tháo xoắn.
Cần chú ý rằng, những triệu chứng nêu trên có thể xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là trong hoặc sau khi bị chấn thương bìu hay hoạt động thể chất.
Bác sĩ khuyến cáo, để tránh cho trẻ bị xoắn tinh hoàn, cha mẹ phải chú ý nhiều đến yếu tố nguy cơ. Với những trẻ có tinh hoàn di động (lúc sờ thấy có, lúc lại không thấy tinh hoàn trong bìu) thì cần đưa trẻ đến bệnh viện khám xem có nguy cơ xoắn hay không. Nếu có, các bác sĩ sẽ cố định tinh hoàn bằng một phẫu thuật nhỏ, nhẹ nhàng để tránh nguy cơ xoắn tinh hoàn về sau.
Ngoài ra, khi phát hiện trẻ đau vùng bìu đột ngột cần đưa đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Theo T.Nguyên/GiadinhNet