Con người cần uống đủ nước mỗi ngày để hỗ trợ các chức năng của cơ thể, bao gồm tiêu hóa và trao đổi chất, duy trì nhiệt độ bình thường của cơ thể, giúp các cơ quan và mô khỏe mạnh.
Bạn có nên tránh uống nước lạnh không?
Theo Tiến sĩ Sonam Solanki, chuyên gia tư vấn về bệnh phổi, Bệnh viện Masina (Ấn Độ), thông thường, nhiệt độ của cơ thể chúng ta là 37ºC, vì vậy nếu bạn uống đồ uống lạnh, cơ thể sẽ có xu hướng điều chỉnh nhiệt độ này bằng cách giải phóng năng lượng. Nói cách khác, nước lạnh có thể gây mất cân bằng trong cơ thể và làm chậm quá trình tiêu hóa.
|
Bạn có nên uống nước lạnh thường xuyên? (Ảnh: Getty/Thinkstock) |
“Khi bạn uống nước lạnh trong bữa ăn, cơ thể bắt đầu sử dụng năng lượng - vốn được dùng cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng - để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Một lý do khác để tránh uống nước lạnh, đặc biệt là trong hoặc sau bữa ăn, là vì nó làm tăng nguy cơ khởi phát chứng kích ứng niêm mạc, đau họng và nghẹt mũi”, Tiến sĩ Solanki cho biết thêm.
Tuy nhiên, không có rủi ro sức khỏe đáng kể nào liên quan, ngay cả khi bạn uống nước lạnh vào một ngày nắng nóng, bà Shweta Mahadik, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Fortis Kalyan, nhấn mạnh.
Theo một nghiên cứu năm 2012, uống nước lạnh trong quá trình tập thể dục có thể giúp cơ thể không bị quá nóng và do đó, giúp buổi tập luyện thành công hơn. Điều này có lẽ là do uống nước lạnh giúp cơ thể con người dễ dàng duy trì nhiệt độ lõi thấp hơn.
Nước ấm có phải là một lựa chọn thay thế tốt hơn?
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2003 về Việc tiêu thụ nước làm tăng khả năng giảm cân trong quá trình can thiệp chế độ ăn uống hạ canxi ở người trung niên và người cao tuổi, cho thấy, việc chuyển từ uống nước lạnh sang nước nóng có thể thúc đẩy giảm cân. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng uống 500 ml nước trước bữa ăn làm tăng sự trao đổi chất lên đến 30%.
|
Uống đủ nước nhưng không nên uống quá nhiều. (Ảnh: Pexels) |
Bà Mahadik cho biết, khi bạn bị cảm lạnh hoặc cảm cúm, hoặc mắc bất kỳ bệnh mạn tính nào gây tiêu hóa chậm, thì uống nước lạnh có lẽ không phải là một ý tưởng tuyệt vời.
“Mặc dù nước ấm có những lợi ích đáng kể, nhưng không có rủi ro nào liên quan đến nước lạnh vì nước lạnh cũng có những lợi ích tương tự như uống nước ở nhiệt độ phòng thông thường. Lợi ích đó là giữ cho một người đủ nước và cảm thấy sảng khoái. Nếu bạn cho rằng nước đá làm rối loạn hệ thống tiêu hóa và sức khỏe của mình, chúng tôi khuyến nghị bạn nên tìm lời khuyên từ bác sĩ”, Mahadik khẳng định.
Tuy nhiên, theo bác sĩ thuộc Y học cổ truyền Ayurveda, Tiến sĩ Dixa Bhavsar, tốt nhất là nên tránh nước lạnh có đá và thay vào đó chọn nước lạnh ở mức tương tự nhiệt độ phòng hoặc nước ấm ấm.
“Chắc hẳn nhiều người nghĩ rằng càng uống nhiều nước càng có làn da đẹp, khả năng miễn dịch và tiêu hóa tốt hơn. Nhưng điều đó là chưa thực sự chính xác. Nếu bạn uống quá nhiều nước, bạn có thể bị đầy hơi, ảnh hưởng đến tiêu hóa. Vì vậy, bạn cần uống đủ nhưng không được tiêu thụ quá nhiều; uống nhấm nháp từng ngụm. Cố gắng lắng nghe cơ thể của bạn, bạn sẽ biết khi nào cơ thể cần nước và khi nào cần thức ăn”, chuyên gia khuyến nghị.
Mời độc giả xem thêm video: Cẩn trọng với chất lượng nước uống đóng bình giá rẻ (Nguồn video: THĐT)
Lương Trâm (Theo The Indian Express)