Chuyên gia bác tin uống nước lạnh sau bữa ăn có thể bị ung thư

Google News

Không có mối liên quan nào giữa uống nước lạnh với bệnh ung thư. Có chăng, uống nước lạnh sẽ khiến người nhạy cảm dễ bị bệnh viêm họng.

>>> Mời quý độc giả xem video "Mùa hè uống nước ấm hay nước lạnh tốt hơn". Nguồn Youtube:
 
Gần đây, bài đăng của một người được cho là bác sĩ nước ngoài đang lan truyền trên mạng xã hội. Tài khoản này viết ăn hoa quả khi bụng rỗng sẽ giúp tẩy uế cơ thể, thậm chí khiến những hiện tượng bạc tóc, hói đầu, tư tưởng bực bội và quầng thâm mắt không xảy ra. Nguy hiểm hơn, bài viết này còn cho biết uống nước lạnh sẽ bị ung thư. Những thông tin trên khiến các chuyên gia dinh dưỡng, nhà khoa học phải “giật mình".
Bài viết cho rằng ăn trái cây sau khi dùng bữa, chúng sẽ hòa với thức ăn thối rữa, tạo hơi, sinh ra đầy hơi, chướng bụng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng, những thông tin trên không có cơ sở khoa học. Việc ăn trái cây trước hay sau bữa ăn là tùy từng đối tượng với thể trạng và vấn đề sức khỏe khác nhau. Ví dụ, người bị thừa cân, béo phì nên ăn trái cây trước bữa ăn, dạ dày đã lưng lửng. Nhờ thế, người thừa cân giảm lượng thức ăn đưa vào cơ thể ở bữa chính, từ đó giúp giảm trọng lượng.
Chuyen gia bac tin uong nuoc lanh sau bua an co the bi ung thu
 
Với người gầy, bạn có thể ăn trái cây sau bữa ăn, đường trong hoa quả là fructose dễ tích trữ năng lượng. Tuy vậy, bạn cần lưu ý, nếu ăn sát giờ đi ngủ sẽ khiến cơ thể tích tụ năng lượng, kể cả ăn trái cây, hệ tiêu hóa cũng làm việc vất vả hơn.
Theo PGS Lâm, trái cây hay hoa quả là loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Nói chung, ăn trái cây vào thời điểm nào cũng được với người có sức khỏe bình thường, nó cũng như một bữa phụ và tạo năng lượng. Người dân ăn trái cây vào giữa các bữa ăn chính cũng tốt.
Một trong những nội dung khiến người đọc lo lắng và nếu lan truyền thông tin này rất nguy hiểm, đó là uống nước lạnh sau bữa ăn có thể bị ung thư.
Tài khoản trên mạng còn chia sẻ: “Uống nước đá lạnh sau bữa ăn thật khoái khẩu. Tuy nhiên, nước lạnh sẽ làm đông đặc những chất dầu mỡ mà quý vị vừa ăn xong. Chúng làm chậm tiêu hóa. Khi chất “bùn quánh” này phản ứng với axit, nó sẽ phân nhỏ và được hấp thụ vào ruột nhanh hơn là thức ăn đặc. Nó sẽ đóng quanh ruột. Chẳng bao lâu, nó sẽ biến thành chất béo và đưa đến ung thư”.
PGS Lâm cho rằng thông tin này cũng không có cơ sở khoa học. Bởi, người bình thường khi uống nước lạnh hoặc nước mát sẽ bị nhiệt độ cơ thể hấp thu, điều hòa trở lại. Nếu đồ uống lạnh quá mức cho phép sẽ làm cho các vi mạch trong dạ dày, ruột co thắt lại, từ đó làm giảm chức năng tiêu hóa tức thì. Không có mối liên quan nào giữa uống nước lạnh với bệnh ung thư. Có chăng, uống nước lạnh sẽ khiến người nhạy cảm dễ bị bệnh viêm họng.
* Kiến Thức đã đặt lại tiêu đề bài viết.
Theo Zing