Cơm là món không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày ở nhiều quốc gia châu Á. Cơm cung cấp carbohydrate thiết yếu nhưng chứa nhiều tinh bột và thiếu chất dinh dưỡng. Do đó, ăn quá nhiều cơm trắng có thể gây tăng đường trong máu dẫn đến tăng cân.
Theo lời khuyên của chuyên gia, mọi người không nên ăn quá nhiều cơm.
Không ăn cơm một tháng
“Khi bỏ ăn cơm trong một tháng, bạn có thể sụt cân do giảm lượng calo nạp vào", bà Priya Bharma, chuyên gia dinh dưỡng trưởng, Viện Y tế Sri Balaji (Ấn Độ), chia sẻ với Indian Express.
Bà Riya Desai, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao, Bệnh viện Wockhardt, Mira Road (Ấn Độ), cũng đồng ý việc bỏ cơm hoàn toàn trong một tháng có thể giúp giảm cân. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ xảy ra khi người ta loại bỏ hoàn toàn cơm và không ăn thêm bất kỳ loại ngũ cốc nào khác khiến tổng lượng carbohydrate giảm hẳn.
|
Cơm là thực phẩm quen thuộc trong nhiều bữa cơm của người châu Á. Ảnh: Pexels.
|
Cơm chứa nhiều carbohydrate cung cấp năng lượng. Cơ thể thường sẽ lấy nguồn năng lượng này thay vì dùng chất béo dự trữ. Điều này cho thấy nếu ăn quá nhiều cơm, lưỡng mỡ càng tích tụ nhiều hơn.
"Chính vì nguyên lý này, khi nhịn cơm, cơ thể sẽ lấy chất béo dự trữ để bù đắp. Nhưng nếu thiếu hụt carbohydrate thời gian quá dài, cơ thể dễ rơi vào suy nhược do thiếu hụt dinh dưỡng. Lâu dần, chính cách làm này lại khiến cơ thể vừa thiếu vitamin, khoáng chất, lại mất cơ bắp. Lúc này, cân nặng sẽ giảm nhưng không phải mỡ mà là mất đi cơ", bà Desai giải thích.
Chuyên gia Bharma nhấn mạnh việc có nên bỏ cơm một tháng hay không còn tùy thuộc vào mục tiêu và sức khỏe của mỗi người.
"Chúng ta có thể bỏ cơm để cân bằng lượng carbohydrate nạp vào. Tuy nhiên, tôi khuyến khích mọi người có chế độ ăn uống cân bằng với nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Cơm là một trong số đó”, Bharma nói.
Theo bà Desai, thay vì bỏ cơm, điều quan trọng là mọi người nên biết tiết chế lượng cơm nạp vào. "Một bát cơm nhỏ cũng không gây hại gì đối với cơ thể", bà cho biết.
Cách giảm cân không cần bỏ cơm
Bà Riya Desai, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao, Bệnh viện Wockhardt, nhấn mạnh nếu muốn giảm cân, mọi người cần kiểm soát khẩu phần khi ăn cơm, chỉ nên ăn với số lượng hạn chế hoặc ăn thay thế bằng đa dạng các loại ngũ cốc.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên chú ý bổ sung nhiều chất xơ như rau hay các loại hạt. Bằng cách này, bạn sẽ có cảm giác no lâu, nhờ đó giảm thèm ăn.
Không chỉ rau, protein cũng là thứ nên được chú ý đưa vào bữa ăn hàng ngày để giảm cân. Protein khi kết hợp với một số loại ngũ cốc sẽ biến thành protein có giá trị sinh học cao, được cơ thể hấp thụ tốt hơn.
Ngoài ra, protein cũng mang lại cảm giác no và mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa, giúp giải phóng đường huyết chậm.
Chuyên gia này cũng lưu ý mọi người nên bắt đầu bữa ăn với chất xơ, tiếp theo là nguồn protein và sau đó là cơm nếu muốn giảm cân.
"Với người có vấn đề sức khỏe cần loại bỏ hoàn toàn cơm, bạn có thể chuyển sang một số lựa chọn thay thế lành mạnh hơn", bà Bharma cho hay.
Chuyên gia này gợi ý mọi người có thể sử dụng quinoa (loại hạt giàu protein và chất xơ, gạo súp lơ (chứa ít carb), các loại ngũ cốc nguyên hạt khác như tấm lúa mì - bulgur hoặc lúa mạch, các loại đậu (chứa nhiều protein và chất xơ) hoặc khoai lang.
Theo Linh Thùy / Znews