Theo trang MayoClinic, bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacteria diphtheriae gây ra. Bệnh rất dễ lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng,...có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
|
Bệnh bạch hầu do vi khuẩn Corynebacteria diphtheriae gây ra. Ảnh: Wikipedia. |
Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Hình thành màng màu xám, dày ở cổ họng và amidan
- Đau họng và khàn giọng
- Các tuyến ở cổ bị sưng
- Khó thở hoặc thở nhanh
- Chảy nước mũi
- Sốt và ớn lạnh
- Mệt mỏi
Loại bệnh bạch hầu thứ hai có thể ảnh hưởng đến da, gây đau, tấy đỏ và sưng tấy tương tự như các bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn khác. Các vết loét được bao phủ bởi màng màu xám cũng có thể là dấu hiệu của bệnh bạch hầu da.
Ở một số người, nhiễm vi khuẩn bạch hầu chỉ gây bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng rõ ràng. Những người bị nhiễm bệnh mà không biết mình mắc bệnh được coi là người mang mầm bệnh bạch hầu.
Bệnh bạch hầu có thể được điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, ở giai đoạn nặng, bệnh bạch hầu có thể gây tổn thương tim, thận và hệ thần kinh,...
|
Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể tạo ra độc tố. Chất độc này làm tổn thương mô ở khu vực bị nhiễm trùng ngay lập tức - thường là mũi và cổ họng. Ảnh minh họa. |
Cụ thể, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh bạch hầu có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:
- Vấn đề về hô hấp: Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể tạo ra độc tố. Chất độc này làm tổn thương mô ở khu vực bị nhiễm trùng ngay lập tức - thường là mũi và cổ họng. Tại vị trí đó, nhiễm trùng tạo ra một lớp màng cứng, màu xám được tạo thành từ các tế bào chết, vi khuẩn và các chất khác, có thể cản trở hơi thở.
- Tổn thương tim: Độc tố bạch hầu có thể lây lan qua đường máu và làm tổn thương các mô khác trong cơ thể. Ví dụ, nó có thể làm hỏng cơ tim, gây ra các biến chứng như viêm cơ tim,...Ở mức tồi tệ nhất, viêm cơ tim có thể dẫn đến suy tim và tử vong đột ngột.
- Tổn thương thần kinh: Chất độc cũng có thể gây tổn thương thần kinh. Mục tiêu điển hình là các dây thần kinh đến cổ họng, nơi dẫn truyền thần kinh kém có thể gây khó nuốt. Các dây thần kinh ở cánh tay và chân cũng có thể bị viêm, gây yếu cơ.
Đáng lưu ý, ngay cả khi được điều trị, bệnh bạch hầu vẫn có thể gây tử vong.
Những người có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao hơn bao gồm:
- Trẻ em và người lớn không được tiêm chủng đầy đủ
- Những người sống trong điều kiện đông đúc hoặc mất vệ sinh
- Người đi du lịch đến khu vực có bệnh bạch hầu phổ biến hơn
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Phương pháp mới phát hiện vi khuẩn trong vài phút
An An (Theo Mayoclinic, T.H)