Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, đến thời điểm này trên địa bàn 4 tỉnh Đắk Lắk, Đăk Nông, Gia Lai và Kon Tum đã ghi nhận 78 ca bệnh bạch hầu.
Trong số 78 ca bệnh bạch hầu, Đắk Nông là tỉnh ghi nhận số ca bệnh nhiều nhất với 29 trường hợp, Kon Tum có 26 trường hợp, Gia Lai là 20 trường hợp và Đắk Lắk ghi nhận 3 trường hợp.
Theo phân tích của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên trong số 78 ca bệnh này, có tới 26 ca không có biểu hiện triệu chứng - người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc.
|
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thăm hỏi 2 trẻ em tại Đăk Đoa đến tiêm chủng tại điểm tiêm chủng lưu động ở Trường PTTH Nguyễn Huệ (Gia Lai). |
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định tình hình dịch bệnh bạch hầu hiện nay có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước như số trường hợp mắc tăng gấp 3 lần, xuất hiện nhiều nơi với nhiều nhóm tuổi và đã có trường hợp tử vong.
Bạch hầu là bệnh cổ điển, tử vong chủ yếu do độc tố của bệnh gây nên vì thế cần điều trị càng sớm càng tốt, muốn điều trị sớm phải phát hiện sớm. Bạch hầu có cả vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu do đó phải ngăn chặn ngay, không để lây lan rộng trong cộng đồng.
Về giải pháp phòng chống mang tính lâu dài và bền vững, ông Long cho biết, sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin trên quy mô lớn mà 4 tỉnh đầu tiên là Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk - những địa phương đã có ca bệnh xuất hiện, sau đó là Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Theo đó, trẻ 2-18 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin 5 trong 1; trẻ 19- 48 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin DPT (phòng bạch hầu-ho gà-uốn ván) và người từ 48 tháng tuổi trở lên tiêm 2 mũi vắc xin Td (phòng bạch hầu, uốn ván), mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng). Chiến dịch tiêm chủng bắt đầu được triển khai từ tháng 7.
"Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu với quy mô lớn tại 4 địa phương này nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan và tạo tiền đề vững chắc phòng chống dịch các năm tiếp theo", lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.
Theo Chí Tâm/Công Lý