Bệnh nguy hiểm người độ tuổi trên 50 nên tầm soát
Nam bệnh nhân 68 tuổi vào viện trong tình trạng đi ngoài phân khuôn nhỏ như phân dê, đại tiện phân nhầy máu, kèm theo đau quặn bụng từng cơn khi đi ngoài khoảng 1 tháng nay, bệnh nhân được nhập viện tại Khoa ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) để điều trị.
Qua thăm khám, kiểm tra cận lâm sàng, các bác sỹ phát hiện bệnh nhân có khối u trực tràng cao nghi K. Sau tiến hành hội chẩn thống nhất chẩn đoán: Ung thư trực tràng cao cT4aN1M0. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cắt đoạn đại trực tràng, vét hạch nối ngay.
Hiện tại sau 8 ngày phẫu thuật, bệnh nhân ăn uống bình thường, sức khỏe ổn định, tiếp tục theo dõi tại Khoa Ung bướu và CSGN.
Qua trường hợp bệnh nhân trên, các bác sĩ khuyến cáo đến người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hoá ở độ tuổi trên 50 tuổi là cực kỳ quan trọng, cần thực hiện tối thiểu 2 năm 1 lần với những đối tượng nguy cơ thấp.
Theo thống kê của Tổ Chức Ghi Nhận Ung Thư Toàn Cầu GLOBOCAN, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới với hơn 1,9 triệu ca mắc mới trong năm 2022. Tại Việt Nam, đây là loại ung thư phổ biến thứ 4, với tỷ lệ mắc mới là 16.835 ca và tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng là 8.454 trường hợp.
|
Thăm khám cho bệnh nhân bị ung thư trực tràng - Ảnh BVCC |
Nhận biết sớm bệnh để tránh tử vong
ThS.BS Trần Anh Tuấn, Bệnh viện K cho biết, ung thư trực tràng là loại ung thư khá phổ biến của hệ thống tiêu hóa, xảy ra khi các tế bào trong lớp niêm mạc của trực tràng phát triển ngoài tầm kiểm soát và hình thành khối u.
Ruột già hay đại tràng là đoạn áp cuối trong hệ thống tiêu hóa, trong đó trực tràng là đoạn cuối cùng của ruột già trước khi ra ngoài, kết nối khung ruột già với ống hậu môn. Vì vậy, ung thư ruột già, ung thư đại tràng và ung thư trực tràng thường được gọi chung là ung thư đại trực tràng.
Dấu hiệu ung thư trực tràng
Ung thư trực tràng ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Các dấu hiệu cảnh báo ung thư trực tràng bao gồm:
- Máu trong phân, hoặc đàm nhớt trong phân.
- Thay đổi thói quen đại tiện (đi cầu lắt nhắt, táo bón hoặc tiêu chảy…).
- Tiêu chảy, táo bón hoặc cảm giác đại tiện không sạch.
- Thay đổi về tính chất và hình dạng phân (như phân dẹt hơn bình thường, có mùi tanh bất thường…).
- Mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
- Đau bụng hoặc khó chịu vùng bụng dưới.
- Sụt cân không rõ lý do. Nôn ói.
- Xuất hiện khối u ở vùng bụng, bụng to dần.
Ung thư trực tràng ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Tùy vào giai đoạn bệnh các tế bào ung thư lan từ trực tràng sang các bộ phận khác.
Giai đoạn 0: Các tế bào bất thường được phát hiện ở lớp niêm mạc (lớp trong cùng) của thành trực tràng. Các tế bào bất thường này có thể trở thành ung thư và lan rộng sang các mô bình thường kế cận. Giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn ung thư tại chỗ.
Giai đoạn I: Tế bào ung thư đã hình thành ở lớp niêm mạc (lớp trong cùng) của thành trực tràng và đã lan đến lớp dưới niêm mạc (lớp kế tiếp lớp niêm mạc) hoặc đến lớp cơ.
Giai đoạn II: giai đoạn này chia thành IIA, IIB, IIC.
Giai đoạn IIA: Ung thư phát triển xuyên qua lớp cơ, tiến vào lớp thanh mạc của trực tràng. Tuy nhiên, các tế bào này vẫn chỉ nằm ở lớp ngoài cùng của trực tràng, chưa lan sang các mô và hạch bạch huyết lân cận.
Giai đoạn IIB: Ung thư phát triển qua lớp thanh mạc (lớp ngoài cùng) của thành trực tràng đến lớp phúc mạc tạng, chưa lan đến hạch bạch huyết lân cận.
Giai đoạn IIC: Ung thư đã lan rộng, xuyên qua thanh mạc của trực tràng, phát triển đến các cơ quan lân cận nhưng chưa lây lan đến các hạch bạch huyết gần đó.
Giai đoạn III: được chia thành IIIA, IIIB, IIIC.
Giai đoạn IIIA:
Ung thư lan rộng qua khỏi lớp niêm mạc đến lớp dưới niêm hoặc đến lớp cơ của thành trực tràng. Tế bào ung thư cũng đã lan đến 1-3 hạch lympho hoặc đến mô kế cận hạch lympho.
Hoặc ung thư lan rộng qua khỏi lớp niêm mạc đến lớp dưới niêm của thành trực tràng. Tế bào ung thư cũng đã lan đến 4-6 hạch lympho.
Giai đoạn IIIB: Ung thư lan rộng qua khỏi lớp cơ của thành trực tràng đến lớp thanh mạc hoặc qua khỏi lớp thanh mạc đến lớp phúc mạc tạng. Tế bào ung thư cũng đã lan đến 1-3 hạch lympho hoặc đến mô kế cận hạch lympho.
Qua khỏi lớp cơ hoặc qua khỏi lớp thanh mạc của thành trực tràng. Tế bào ung thư cũng đã lan đến 4-6 hạch lympho. Hoặc qua khỏi lớp niêm mạc đến lớp dưới niêm hoặc đến lớp cơ của thành trực tràng. Tế bào ung thư cũng lan đến ít nhất 7 hạch lympho.
Giai đoạn IIIC: Qua khỏi lớp thanh mạc đến lớp phúc mạc tạng. Tế bào ung thư cũng đã lan đến 4-6 hạch lympho kế cận. Hoặc qua khỏi lớp cơ đến lớp thanh mạc hoặc qua khỏi lớp thanh mạc đến lớp phúc mạc tạng. Tế bào ung thư cũng lan đến ít nhất 7 hạch lympho. Hoặc qua khỏi lớp thanh mạc đến các cơ quan kế cận. Tế bào ung thư cũng lan đến ít nhất 1 hạch lympho hoặc đến mô kế cận các hạch lympho.
Giai đoạn IV: được chia thành IVA, IVB, IVC.
Giai đoạn IVA: Ung thư lan đến một vùng hoặc cơ quan cách xa trực tràng, ví dụ như gan, phổi, buồng trứng hoặc các hạch lympho ở xa trực tràng.
Giai đoạn IVB: Ung thư lan đến nhiều vùng hoặc nhiều cơ quan cách xa trực tràng.
Giai đoạn IVC: Ung thư lan đến các mô của lớp lót mặt trong ổ bụng và có thể lan rộng đến các vùng và các cơ quan khác.
Ung thư trực tràng rất nguy hiểm, nằm trong top 10 bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới và đứng thứ 4 trong danh sách nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chỉ sau ung thư phổi, dạ dày và gan.
Dấu hiệu ung thư trực tràng thường dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Vì vậy, ung thư trực tràng thường khiến mọi người lo lắng. Tuy nhiên, bệnh này nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có tỷ lệ chữa khỏi khá cao.
Nhìn chung, dữ liệu từ Viện Ung thư Quốc gia (US) (NCI) cho thấy khoảng 68% người mắc bệnh ung thư trực tràng vẫn sống bình thường sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Tiên lượng thời gian sống sau khi điều trị ung thư trực tràng còn tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh.
Tầm soát là cách để ngừa ung thư trực tràng tốt nhất. Bệnh ung thư trực tràng có tỷ lệ điều trị thành công cao nếu được phát hiện sớm. Vì vậy, khách hàng tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời có thể vượt qua bệnh và trở lại cuộc sống bình thường.
Thúy Nga/ Đời sống