Theo Bộ Y tế, số ca mắc cúm tại Hà Nội và một số địa phương như Quảng Ninh tăng cao, trong đó nhiều người bị biến chứng do bệnh này.
Bộ cũng chưa ghi nhận ca mắc có độc lực cao, chủ yếu vẫn là chủng cúm thường. Các cơ sở y tế vẫn trong tầm kiểm soát dịch cúm.
Triệu chứng cúm
Theo BS Nguyễn Hữu Thảo - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc, cúm là bệnh truyền nhiễm do virus cúm lây qua đường hô hấp. Có bốn loại virus được gọi là cúm A, B, C và D.
Cúm A và B là nguyên nhân gây ra bệnh theo mùa xảy ra ở mùa đông. Cúm C có biểu hiện bệnh nhẹ, thường không triệu chứng. Virus cúm D ảnh hưởng đến gia súc và không gây bệnh ở người. Cúm gây ra bệnh từ nhẹ đến nặng và đôi khi dẫn đến tử vong.
Cúm khác với cảm lạnh. Cúm thường xuất hiện đột ngột. Người bị cúm thường cảm thấy một số hoặc các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc ngạt mũi, nhức đầu, mệt mỏi. Một số người có thể bị nôi ói, tiêu chảy đặc biệt ở trẻ em.
BS Thảo cũng lưu ý không phải ai bị cúm cũng có triệu chứng sốt.
Chăm sóc người bị cúm
Hầu hết người nhiễm cúm đều bị bệnh nhẹ và không cần chăm sóc y tế hoặc thuốc kháng virus. Nếu bạn bị bệnh với các triệu chứng cúm, trong hầu hết trường hợp, bạn nên ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác ngoại trừ vấn đề lên quan đến chăm sóc y tế.
Tuy nhiên, nếu xuất hiện triệu chứng cúm và thuộc nhóm nguy cơ cao, hoặc bị bệnh nặng, hay lo lắng về bệnh, thì bạn cần liên hệ với bác sĩ.
Những người nguy cơ cao bị biến chứng cúm gồm:
Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Người lớn trên 65 tuổi.
Phụ nữ có thai.
Những người có hệ miễn dịch yếu.
Những người mắc các bệnh mãn tính, chẳng hạn như hen suyễn, bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan và tiểu đường.
Người béo phì, có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 trở lên.
Khi nhiễm cúm, trẻ và người lớn nguy cơ cao bị biến chứng: viêm phổi, khởi phát cơn hen, tim mạch, nhiễm trùng tai. Viêm phổi là biến chứng nghiêm trọng nhất. Với người lớn tuổi và người mắc bệnh mãn tính, viêm phổi có thể gây tử vong.
Với trẻ nhỏ, khi bị cúm cha mẹ cần theo dõi sát sao. Nếu trẻ thở nhanh, khó thở, da tái xanh, sốt kèm phát ban, ăn uống kém, li bì, co giật, cha mẹ cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị.
Không dùng kháng sinh vội
Theo BS Thảo,người bệnh cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, dùng hạ sốt khi cần để điều trị cúm.
Trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng nặng hoặc nguy cơ biến chứng cao hơn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus như oseltamivir (Tamiflu).
Các nghiên cứu cho thấy uống Tamiflu sớm trong vòng 48h khi xuất hiện các triệu chứng của cúm có thể rút ngắn thời gian khỏi bệnh 1-2 ngày. Tuy nhiên, không uống Tamiflu, bạn vẫn có thể tự khỏi vì vậy không cần mua tamiflu về tích trữ.
Khi bị cúm, bạn không dùng kháng sinh vội, bởi kháng sinh không giúp ích gì khi không có đồng nhiễm hay bội nhiễm vi khuẩn. Bệnh nhân cần hỏi bác sĩ của bạn trước khi sử dụng kháng sinh.
Để phòng bệnh, BS Thảo dẫn khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ, nên tiêm phòng cúm hàng năm cho tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên; tránh chỗ đông người và tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên. Để giúp kiểm soát sự lây lan của cúm trong cộng đồng, phụ huynh nên ở nhà và giữ trẻ ở nhà cho đến khi hết sốt ít nhất 24 giờ.
Theo Ngọc Hà/ VTC