Theo bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, 20 bệnh nhân này đều có biểu hiện sốt, đau họng, hắt hơi. Sau khi test nhanh, các bệnh nhân có kết quả dương tính với cúm A, nên có thể xem đây là một ổ dịch cúm tại Hà Nội.
Sau khi những công nhân trên nhập viện điều trị, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp tục tiếp nhận thêm hơn 10 trẻ em là người thân của nhóm công nhân này, cũng có các biểu hiện của cúm A. Theo bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, khoảng 2 tuần gần đây, số lượng người cúm A tới khám tại bệnh viện tăng rất cao với trên 100 người, trong số này có không ít trường hợp diễn biến nặng và nhiều trường hợp là trẻ nhỏ.
Cùng với Hà Nội, gần đây, tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, số bệnh nhân mắc cúm A đến khám, điều trị cũng tăng bất thường, dù đang là mùa hè nóng bức không phải là thời điểm thuận lợi cho cúm mùa bùng phát. Tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), mỗi ngày ghi nhận khoảng 40-50 bệnh nhân mắc cúm A nhập viện để điều trị.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh cúm thường gia tăng ca mắc vào giai đoạn thời tiết lạnh, nhất là mùa đông xuân, nên với việc số người mắc cúm tăng cao vào mùa hè là những dấu hiệu bất thường, đáng quan ngại.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.