Khi lên 8 tuổi, Lưu Xuân cùng gia đình từ Đài Loan sang định cư tại Mỹ. Những năm đầu, cậu rất ngoan ngoãn và chăm chỉ học tập. Tuy nhiên, khi bước vào trung học, cậu bắt đầu trở nên nổi loạn và khiến giáo viên phải “đau đầu” vì sự nghịch ngợm, không chịu cố gắng học hành.
Thời điểm ấy, điểm số trên lớp của Lưu Xuân rất tệ. Cậu thường xuyên đạt điểm C. Ước mơ duy nhất của cậu bé lúc bấy giờ là trở thành tay đua số một như Michael Schumacher.
“Schumacher là thần tượng của con. Khi bằng tuổi con, điểm số của anh ấy cũng rất tệ, thậm chí còn hay bị điểm 0. Nhưng bố nhìn xem, giờ anh ấy là tay đua hàng đầu thế giới", Lưu Xuân nói với bố.
Nghe con nói vậy, ông bố dựa lưng vào ghế, mỉm cười và nói: “Ý con là nếu được điểm 0 thì con sẽ phần nào giống Michael Schumacher thời học sinh đúng không? Vậy con cố gắng đạt điểm 0 đi”.
“Hãy đặt cược rằng, nếu con đạt điểm 0 thì bố sẽ không bao giờ can thiệp vào việc học của con nữa và con có thể làm bất cứ điều mình muốn. Tuy nhiên, chừng nào con chưa đạt điểm 0, con phải tuân thủ những quy tắc bố đưa ra là phải học tập chăm chỉ, được chứ?”.
Ông bố cũng lưu ý thêm luật chơi: Tất cả các câu hỏi trong bài kiểm tra Lưu Xuân đều phải trả lời. Nếu bỏ trống bất kỳ câu nào sẽ là vi phạm luật chơi.
Lưu Xuân nghe vậy đồng ý ngay lập tức.
|
Cậu bé nổi loạn và mong muốn được điểm 0 năm nào giờ đã trở thành Thạc sĩ tại Đại học Havard. |
Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm cậu mới nhận ra, để lấy được điểm 0 không hề dễ dàng. Cậu phải biết chắc chắn đâu là đáp án sai thì mới có thể khoanh vào. Dù nhiều lần khoanh bừa nhưng cậu vẫn khoanh nhầm vào đáp án đúng. Các bài kiểm tra của Lưu Xuân vẫn chỉ đạt điểm C.
"Vậy con phải học thì mới biết đâu là đáp án sai để điền chứ", người bố gợi ý.
Cứ thế, phải đến 1 năm sau, Lưu Tuyên mới lấy được điểm 0 đầu tiên. Nhưng kết quả này là do cậu đã học hành chăm chỉ, biết rõ đâu là đáp án đúng, đâu là đáp án sai để khoanh.
Cầm bài kiểm tra của con trai trên tay, ông bố cười rạng rỡ:
"Chúc mừng con! Cuối cùng con cũng lấy được điểm 0 như mong muốn. Chỉ những học sinh giỏi thực sự mới biết chính xác đâu là đáp án sai để được điểm 0”.
Lưu Xuân cuối cùng đã bị lừa, nhưng nhờ "cú lừa" của bố mà cậu bé trở nên thích thú với việc học và lấy lại được sự chăm chỉ tích cực.
Cậu bé nổi loạn và mong muốn được điểm 0 năm nào giờ đã trở thành Thạc sĩ tại Đại học Havard, là một dịch giả, tác giả thành công trong lĩnh vực Âm nhạc, Nghệ thuật.
Nhiều bậc cha mẹ luôn lo sợ con mình sẽ bị tụt lại phía sau. Cũng nhiều người tin rằng, sự thúc giục sẽ khiến trẻ càng tiến bộ nhanh hơn. Nhưng thực tế, điều này vô tình gây phản tác dụng và khiến trẻ trở nên căng thẳng, chán ghét việc học.
Thay vì nôn nóng, bố của Lưu Xuân đã bình tĩnh sử dụng trí tuệ để đảo ngược tình thế, giúp con trai thay đổi suy nghĩ. Cuối cùng, trẻ đã tìm ra vấn đề và đạt được kết quả tốt nhất.
Theo Trường Giang/Vietnamnet