Dấu hiệu nhận biết sữa bột giả, tránh "tiền mất tật mang"

Google News

“Ma trận” sữa thật giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng dễ mua phải hàng giả. Vậy cách nào để nhận biết sản phẩm kém chất lượng?

Nhận biết sữa bột giả thế nào?
Mới đây vụ gần 600 nhãn hiệu sữa giả tiêu thụ trên toàn quốc một thời gian dài mới bị phát hiện đã gây rúng động dư luận. Các sản phầm này được quảng cáo có thể sử dụng cho nhiều đối tượng, từ trẻ em đến người già, phụ nữ mang thai với các thành phần giúp bổ sung đầy đủ dưỡng chất.
Tuy nhiên, kết quả kiểm định lại không có các thành phần như tổ yến, hạt macca, đông trùng hạ thảo,... như quảng cáo trên bao bì. Hơn hết, các thành phần khác trong sữa cũng không đạt chuẩn, thậm chí là dưới 70% so với công bố. Theo quy định của pháp luật, hàng hóa có chất lượng đạt dưới 70% so với công bố thì đó là hàng giả, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Dau hieu nhan biet sua bot gia, tranh
 Nhiều sản phẩm sữa giả được phát hiện. (Ảnh: VTV)
Theo khảo sát của trang Consumer Health Review (Anh), 83% phụ huynh không thể phân biệt được sữa giả nếu chỉ nhìn vào bao bì bên ngoài. Đây là lý do nhiều gia đình vô tình sử dụng sản phẩm giả trong thời gian dài mà không hề hay biết.
Chưa kể, tại Việt Nam, nhiều phụ huynh vẫn có thói quen săn hàng xách tay, giảm giá online, tin theo lời quảng cáo nhưng lại ít quan tâm tới hóa đơn, giấy kiểm định... Đây là một trong những điểm yếu khiến thị trường sữa giả vẫn có đất sống.
Để tránh mua phải sữa giả, người tiêu dùng có thể phân biệt sữa giả và sữa thật đơn giản tại nhà bằng cách kiểm tra bao bì, thông tin sản phẩm. Đặc biệt là kiểm tra trạng thái và màu sắc bột sữa (đối với sữa bột).
Màu sắc của bột sữa thật thường có màu trắng ngà hoặc hơi vàng nhạt, đồng đều. Sữa giả có thể có màu trắng bạch bất thường hoặc lẫn các hạt màu khác lạ. Bột sữa thật mịn, tơi, không bị vón cục. Sữa giả có thể bị ẩm, vón cục hoặc có cảm giác sạn khi sờ vào. Sữa thật có mùi thơm đặc trưng của sữa, dễ chịu. Sữa giả có thể có mùi lạ, mùi hóa chất hoặc mùi tanh khó chịu.
Ngoài ra, người dùng có thể thử độ hòa tan, hương vị của sữa. Lấy một ít bột sữa cho vào cốc nước lạnh, sữa thật sẽ tan từ từ, tạo thành một lớp màng mỏng trên bề mặt và lắng xuống đáy cốc khi khuấy nhẹ. Sữa giả thường không tan hết, tạo cặn hoặc vẩn đục. Đối với sữa nước phải có độ sánh mịn vừa phải, không quá lỏng cũng không quá đặc. Sữa giả có thể loãng hơn bình thường hoặc có cặn lắng ở đáy chai/hộp sau một thời gian.
Sữa thật còn có vị béo ngậy, thơm ngon đặc trưng của sữa, không có vị lạ như vị ngọt gắt, vị chua, vị đắng hoặc vị hóa chất. Trong khi đó, sữa giả thường có vị ngọt lợ, không có vị béo tự nhiên của sữa hoặc có các vị lạ khó chịu.
Dau hieu nhan biet sua bot gia, tranh
 Phân biệt sữa thật – giả bằng nước. (Ảnh minh hoạ/ Công ty CP phát triển khoa học công nghệ Vina)
Liên quan đến sữa giả, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Phó Giáo sư, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, rất khó để xác định sữa thật, sữa giả bằng mắt thường nhưng khi mua sữa, người tiêu dùng nên đọc kỹ các thông tin trên bao bì, vỏ hộp như: tên sản phẩm; tên công ty và địa chỉ, số điện thoại liên hệ của nhà sản xuất; đơn vị nhập khẩu và phân phối; hạn sử dụng; bảng thành phần dinh dưỡng của sản phẩm;... Nếu là sữa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Người tiêu dùng không mua, sử dụng các sản phẩm sữa nếu thấy bao bì sản phẩm in lem nhem, không sắc nét; có dấu hiệu bị tẩy xóa hoặc hộp sữa bị móp méo…
Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin xem công ty sản xuất loại sữa đó đã có kinh nghiệm lâu năm chưa. Các thương hiệu sữa bột đó có phổ biến hay không. Nên ưu tiên mua những nhãn hiệu sữa đã được kiểm định và cấp phép bởi cơ quan chức năng. Cần cẩn trọng với các sản phẩm sữa xách tay, hàng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...
Hãy là người tiêu dùng thông minh
Để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng… người tiêu dùng nên tìm mua sữa tại cửa hàng, nhà thuốc, siêu thị uy tín. Dù hàng nhập ngoại hay trong nước, không nên mua sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Không mua sữa "có giá rẻ bất ngờ" từ các trang mạng xã hội, livestream… Cũng không nên tin vào những người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng “nổ” trên mạng xã hội hay trên các buổi livestream bán hàng…
Ngoài ra, với những loại sữa ngoại, người tiêu dùng cũng nên biết thêm một vài “chiêu” để khai thác thông tin từ internet. Với thế giới phẳng của internet người tiêu dùng có thể hỏi những người bạn đang sống ở đất nước sản xuất về loại sữa định mua hoặc có thể trực tiếp vào website của công ty sản xuất được in trên bao bì của hộp sữa và kiểm tra các thông tin cần thiết như thành phần, giấy chứng nhận…
Có thể dùng website: alexa.com (trang website dùng để thống kê độ phát triển của các trang web) để kiểm tra độ tin cậy website của công ty sữa mà bạn định mua. Nếu là nhãn hiệu uy tín được thế giới tin dùng thì chắc chắn sẽ được người ở nhiều nước truy cập. Nếu trang web chủ yếu có số người truy cập là từ Việt Nam, chứng tỏ ở nước ngoài hãng sữa này rất ít người biết đến....
Người tiêu dùng cũng có thể tải phần mềm nhận diện mã vạch của các nước về điện thoại để mỗi lần chọn sữa, có thể dễ dàng kiểm tra xem mã vạch có đúng quốc gia sản xuất hay không.
Sau vụ việc sữa giả vừa qua, người tiêu dùng cần thay đổi quan điểm và cách thức về lựa chọn sữa, không nghe tư vấn, tuyệt đối không tin quảng cáo và phải tự tìm hiểu, để tránh tiền mất tật mang.
Dau hieu nhan biet sua bot gia, tranh
 Một sản phẩm sữa giả trong đường dây vừa bị triệt phá. (Ảnh: VTV)
Phó Giáo sư, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho biết, sữa là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng phổ biến, cần thiết cho nhóm có nhu cầu chăm sóc sức khỏe đặc biệt như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người ốm, người bệnh mạn tính và phụ nữ mang thai…
Sữa dùng nguyên liệu không rõ nguồn gốc và chất phụ gia không được kiểm soát gây nhiều rủi ro cho người dùng như dị ứng, ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa. Về lâu dài, cơ thể tích lũy kim loại nặng, chất độc, ảnh hưởng nội tiết và phát triển thần kinh, nhất là ở trẻ em.
Về mặt hàm lượng dinh dưỡng, những loại sữa kém chất lượng, sữa giả có thể không bảo đảm cung cấp đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất đúng như bảng thành phần ghi trên vỏ hộp sữa. Sử dụng lâu dài nguy cơ cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến các giai đoạn phát triển đối với trẻ nhỏ. Với trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu hoặc sống phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng từ sữa, hậu quả còn nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo, khi có vấn đề sức khoẻ hoặc nhu cầu sử dụng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, người dân nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn cho phù hợp với tình hình sức khoẻ, bệnh tật.
Bình Nguyên