Chuyện dạy con học là điều cha mẹ nào cũng thường làm. Mong cho con nên người, mong cho con có kết quả học hành tốt để bằng bạn bằng bè là điều cha mẹ nào cũng mong mỏi. Nhưng không ít người từng cảm thấy vô cùng bế tắc khi dạy con học vì trẻ cứ học đâu quên đấy, những kiến thức tưởng chừng đúng rõ ràng nhưng trẻ vẫn không chịu hiểu.
Nếu bạn từng rơi vào hoàn cảnh đó thì có thể học hỏi ngay bí quyết này của chị Phan Hồ Điệp, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam và là người đứng sau thành công của nam sinh tài năng này.
Theo chị, thay vì giảng giải suông, cha mẹ nên đặt câu hỏi gợi mở để trẻ tự tìm ra câu trả lời rồi từ đó tự nhận thức được vấn đề.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên dạy con những điều nho nhỏ ngay từ khi chưa đi học để giúp trẻ có phản xạ linh hoạt hơn.
Nguyên văn bài chia sẻ của chị Phan Hồ Điệp như sau:
Bạn có bao giờ phát điên hoặc bực tức khi dạy con học không? Nếu ai trả lời là: "Hoàn toàn không" thì mình nghĩ là bạn thực sự thuộc về số ít. Thật đó!
Vì rất nhiều khi, bạn không thể hiểu nổi một bạn nhỏ lớp 1 đã đọc đến thuộc lòng bảng cộng trong phạm vi 5 nhưng khi hỏi: "1 cộng với mấy bằng 5?" thì nó giơ hết bàn tay này đến bàn tay khác, rồi nó cho tay vào ngậm, rồi nó hỏi: "Con đi vệ sinh được không?"
Nếu bạn không đồng ý, nó sẽ mếu máo và nói: "Con đã học cái này đâu". Thế là hoặc bạn sẽ quát hoặc bạn sẽ bỏ cuộc và bạn thầm nghĩ: "Con mình sẽ không thể trở thành Ngô Bảo Châu được!"
Nhưng bạn ơi đối với bạn, 1 đương nhiên thì thêm 4 nữa thành 5. Nếu hỏi lý giải vì sao là 4 thì bạn sẽ nói vì 5 – 1 = 4. Nhưng đứa trẻ của bạn chưa biết ngược của phép cộng là phép trừ, rằng phải lấy 5 - 1 để ra kết quả. Nó cũng chưa có trải nghiệm để biết 1 mớ rau mua thêm bốn mớ nữa sẽ thành 5 mớ hoặc 1 cái xe mua thêm 4 cái nữa thành 5 cái.
Và vì thế dạy cho con những điều nho nhỏ ngay từ khi con chưa đi học có thể giúp con bạn phản xạ linh hoạt hơn.
|
Ảnh minh họa. |
Mình lấy ví dụ, bây giờ sẽ là 3 đôi tất của bố, mẹ và con với những màu khác nhau.
Bạn sẽ dạy con điều gì liên quan đến Toán?
Có thể là những câu hỏi về các nội dung sau:
1. Đếm xuôi và ngược.
2. Phân loại theo cỡ và xếp từ bé đến lớn hoặc ngược lại.
3. Phân loại theo màu sắc.
4. Phân loại theo người dùng và đặt tên: Bé có thể đặt những tên thật ngộ nghĩnh như tất của bố là "tất dành cho đức vua" chẳng hạn.
5. Trộn các đôi tất lên và xếp theo cặp.
6. Nếu bây giờ chân của bố, mẹ và con lần lượt là 21cm, 16cm và 12 cm thì tất của con sẽ là bao nhiêu cm? (cho con có hình dung ban đầu về đo độ dài)
7. Nếu giả sử mang tất của bố, mẹ và con đựng nước thì tất của ai sẽ đựng được nhiều nhất? (có thể đáp án là tất không đựng được nước hoặc tất của bố đựng được nhiều nhất)
8. Nếu mình có thêm một ĐÔI tất nữa thì tất cả có mấy CÁI? (bé sẽ hay nhầm khái niệm đôi và từng cái)
Nhưng bạn cũng có thể dạy con về ngôn ngữ nữa:
1. Con hãy tìm đôi to nhất, đôi bé nhất và đôi trung bình (đôi vừa vừa, đôi ở giữa)
2. Đôi tất của con có màu đỏ. Trong những vật sau đây, vật nào sẽ giống với đôi tất của con nhất? Củ cà rốt, cái bút chì, bông hoa hồng?
3. Nếu mẹ có những đồ vật sau, đồ vật nào sẽ cùng loại với đôi tất? Đôi gang tay, cái ô, ô tô? (gang tay vì cùng là đồ để giữ ấm cơ thể)
Nếu có các từ: Ung, mắt, chân thì giống với tất ở điểm nào? (đều tính theo đôi)
4. Cùng đọc đoạn vui vui dưới đây:
"Ô kìa đôi tất/ Tớ để đâu mất/ Hôm qua tớ vất/ Khi vừa cởi tất.
Ô kìa đôi tất/ Trên kia cao ngất/ Chắc là tớ vất/ Trên ngóc tủ chật.
Ô kìa đôi tất/ Nó buồn nhiều nhất/ Vì trong chỗ chật/ Nó ngạt chết mất".
Đọc xong rồi thì mẹ hãy nhờ con xếp tất vào ngăn theo đôi cho tất khỏi buồn nhỉ.
Và như thế, bạn đã thực hiện rất nhiều hoạt động về toán và ngôn ngữ chỉ với những vật dụng đơn giản.
Nhưng bạn biết không, bạn thực chất đang dạy con rất nhiều về PHÂN LOẠI, chỉ bằng các câu hỏi.
Nếu bạn nào nghiên cứu về Phật giáo sẽ biết, từ bài dạy đầu tiên cho đến bài dạy cuối cùng, Đức Phật đều dạy bằng cách đặt câu hỏi.
Bằng những câu hỏi, Ngài khuyến khích đưa người đối thoại vào hiểu biết và rồi dần dần chính họ tự hiểu. Hỏi cho ra lý lẽ, hỏi để phá nghi ngờ, hỏi để đến tận cùng ngóc ngách khác với việc dạy nhồi nhét, mệnh lệnh.
Triết lý dạy học phương Đông từ xưa đã là như vậy. Nếu bạn nào đọc về Socrate thời Hy Lạp cổ cũng như vậy. Ông đã dạy bằng chuỗi câu hỏi với một người nô lệ không có chút kiến thức nào về hình học để dồn anh ta đến chỗ tự giải được một vấn đề hình học rất khó. Và như thế, Tây phương cũng cũng chung một "triết lý".
Theo Helino