Trẻ dưới 1 tuổi không nên nêm nếm gia vị
Nhiều mẹ lo lắng món ăn nấu không có gia vị sẽ khiến bé không cảm nhận ngon miệng và không ăn, vì vậy từ khi bé bắt đầu ăn dặm mẹ đã nêm nếm gia vị vào món ăn cho bé. Tuy nhiên đây là quan niệm và hành động hoàn toàn sai lầm.
Bởi theo khuyến cáo từ chuyên gia dinh dưỡng thì trẻ em dưới 1 tuổi đặc biệt là ở giai đoạn 5-7 tháng tuổi thì mẹ tuyệt đối không nên nêm nếm gia vị vào món ăn cho bé. Lý do là vì:
Ở giai đoạn này vị giác của bé đang trong giai đoạn phát triển nên bé chưa thể phân biệt được đâu là: Đắng, cay, mặn, ngọt.
Mẹ cần biết trong rau củ, thịt, cá đã có sẵn lượng gia vị nhất định gồm cả natri, một chất cần thiết cho sự phát triển trí não của bé vì vậy mẹ không cần nêm gia vị thì cũng không phải lo bé sẽ bị thiếu chất.
Thay vì đánh lừa vị giác của bé bằng các loại gia vị thì mẹ hãy để bé cảm nhận hương vị tự nhiên từ các loại thực phẩm.
Nếu mẹ nêm gia vị vào thức ăn cho bé từ khi bé bắt đầu mới ăn dặm có thể khiến bé bị rối loạn vị giác, dẫn đến hấp thu kém, biếng ăn thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhu cầu muối ở trẻ được hướng dẫn như sau:
Trẻ em nhỏ hơn 1 tuổi: không ăn quá 1g muối hoặc 0,4g natri mỗi ngày;
Trẻ em từ 1 đến 3 tuổi: Nên ăn ít hơn 2g muối hoặc 0,8g natri mỗi ngày;
Trẻ em từ 4 đến 6 tuổi: Nên ăn ít hơn 3g muối hoặc 1,2g natri mỗi ngày.
Để so sánh với hướng dẫn lượng muối khuyến cáo của người lớn là ăn không quá 6g muối hoặc 2,4g natri mỗi ngày nhưng hầu hết đều vượt quá hướng dẫn này.
Như vậy, khi cho bé ăn hạt nêm một cách không kiểm soát, có thể gây hại cho thận của bé. Quan trọng hơn, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi trẻ được bổ sung muối vào chế độ ăn khi còn nhỏ quá sớm, trẻ sẽ có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn khi trưởng thành. Ngoài ra, thói quen ăn mặn có được từ thời thơ ấu sẽ tiếp tục bền vững đến tuổi trưởng thành. Vì vậy, nếu bé đã quen với thức ăn mặn ở độ tuổi này, bé có thể sẽ tiếp tục muốn ăn mặn sau này.
Theo Mộc/Khoevadep