Nước dừa có tác dụng gì?
Theo Đông y, nước dừa vị ngọt mát, tính bình; vào tỳ, thận và vị; tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, lợi niệu, giải độc, cầm máu. Cùi dừa vị ngọt, tính bình; vào tỳ, thận và vị; tác dụng ích khí bổ dưỡng, nhuận tràng và lợi tiểu. Trị say nắng, say nóng, sốt khát nước, nôn mất nước, phù nề, tiểu ít, mụn nhọt lở ngứa, viêm da, chàm chốc...
Các khoáng chất trong nước dừa như: kali, natri, canxi, magiê, selen, đồng, kẽm... rất phong phú và hỗn hợp các chất trong nước dừa tương tự như dịch trong tế bào. Hàm lượng kali dồi dào trong nước dừa giúp cân bằng điện giải làm tối ưu hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và hệ miễn dịch cũng như hỗ trợ việc hấp thụ và điều tiết chất lỏng, giúp bổ sung và bù nước cho cơ thể.
Vì vậy, nước dừa thường được dùng uống bù nước hiệu quả nhằm bổ sung chất điện giải cho cơ thể trong trường hợp bài tiết qua mồ hôi, mất nước do sốt, tiêu chảy…
Theo Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, nguyên tắc về chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà cần đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng để duy trì thể trạng, thể chất bình thường, ngăn ngừa biến chứng, giúp người bệnh nhanh hồi phục.
Người nhiễm COVID-19 cần uống nhiều nước (40-45ml/kg cân nặng/ngày). Nên uống nước ấm và rải rác trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống khi thấy khát.
Như vậy, chế độ dinh dưỡng và nước là vô cùng quan trọng với người mắc COVID-19. Người bệnh cần uống nước ấm nhiều lần trong ngày, ngày uống tối thiểu 2 lít nước. Nên uống nước lọc, nước ép hoa quả. Không uống các loại nước gây kích thích thần kinh như trà, cà phê…
Đặc biệt, trong trường hợp có sốt nên uống oresol để bù nước và điện giải. Và uống nước dừa cũng là thức uống tốt để bù nước và điện giải.
Nên uống nước dừa như thế nào là phù hợp?
Tuy nước dừa là loại đồ uống bổ dưỡng, cung cấp khoáng chất, các chất điện giải và tăng cường miễn dịch nhưng cũng không nên uống quá nhiều.
Lượng nước dừa cần thiết để uống mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động và các yếu tố đi kèm khác của cơ thể. Với người bình thường có thể uống 1-2 cốc mỗi ngày. Các trường hợp có bệnh lý như huyết áp thấp, đái tháo đường, suy thận hoặc có rối loạn điện giải nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Đặc biệt, bệnh nhân F0 không dùng nước dừa cho các trường hợp sau:
- Người bị COVID-19 biểu hiện lạnh nhiều, ho thở, mệt mỏi, đờm nhiều, đờm loãng, sợ gió, bụng đầy chậm tiêu…
- Người bị COVID-19 biểu hiện đang sốt cao tự nhiên mồ hôi ra đầm đìa, tay chân giá lạnh, hạ huyết áp…
- Người béo phì bị COVID-19 biểu hiện tiêu hóa kém, hay đầy bụng, sau khi ăn hay mệt mỏi…
Những người có bệnh sau không nên uống nước dừa:
Người bị bệnh tiểu đường
Nước dừa thường được sử dụng để thay thế cho các loại nước trái cây khác bởi nó chứa hàm lượng đường thấp. Một cốc nước dừa chứa 6,26 gam đường. Ngoài ra, loại nước giải khát này cũng cung cấp lượng calo khá lớn cho cơ thể, do vậy, những người mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế tiêu thụ nước dừa.
Người bị bệnh huyết áp thấp
Nước dừa có tác dụng làm giảm huyết áp rất tốt bởi nó bổ sung kali cho cơ thể, từ đó tăng cường quá trình đào thải muối (ion natri) qua hệ tiết niệu. Natri bị đào thải sẽ kéo theo nước, làm giảm thể tích tuần hoàn, huyết áp từ đó cũng sẽ giảm xuống một cách từ từ.
Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh huyết áp thấp, uống quá nhiều nước dừa có thể làm giảm huyết áp một cách đột ngột.
Người có đường huyết cao, người hư nhược, già yếu... cũng không nên uống nước dừa.
Những người dễ mắc các bệnh dị ứng
Đối với một số người dễ bị dị ứng thực phẩm, nước dừa có thể gây ra những phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Ngoài ra, một số loại thực phẩm khi kết hợp với nước dừa sẽ gây nên nhiều tác dụng phụ có hại cho sức khỏe, như chocolate hoặc các loại hải sản.
Ngoài ra, sử dụng đá lạnh khi uống nước dừa cũng là một thói quen xấu. Bởi đá lạnh và nước dừa đều có tính hàn, khi kết hợp chung với nhau sẽ khiến cơ thể bị lạnh, dẫn đến tình trạng đau bụng, khó tiêu hoặc sốt nhẹ.
Theo Vũ Ngọc/Khoevadep