"Gọi cho con làm gì thế? Không có việc gì à? Vậy thôi con tắt máy đây"
Bạn có thể giữ quyền cao chức trọng ngoài xã hội, nhưng trong mắt cha mẹ già, bạn mãi mãi là đứa con bé bỏng. Nhiều khi cha mẹ gọi cho bạn chỉ đơn giản để nghe tiếng, để thỏa nỗi nhớ mong. Thế nhưng, cuộc sống thực dụng khiến bạn quý thời gian và thậm chí tiếc cả thời gian dành cho cha mẹ mình, dù đó có thể chỉ là một cuộc gọi hỏi thăm. Điều này làm tổn thương cha mẹ.
Xin đừng vì những bận bịu của công việc, gia đình mới mà thờ ơ với cha mẹ. Hãy luôn thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe, trò chuyện với cha mẹ, rảnh rỗi về nhà thăm họ để tâm hồn của mẹ cha được nhẹ nhàng và vui vẻ hàng ngày.
"Bố mẹ lạc hậu thế!"/ Quan điểm của bố mẹ bây giờ đã lỗi thời lâu rồi/ Bố mẹ lẩm cẩm thế
Cha mẹ cách chúng ta một thế hệ. Vậy nên những lời góp ý của họ, có thể không hợp với thời đại, cuộc sống của ta, thậm chí không thể mang ra áp dụng, cũng đừng bao giờ nói: "Quan điểm của bố mẹ bây giờ đã lỗi thời lâu rồi."
Khi bạn lớn lên, đồng nghĩa với việc cha mẹ bạn ngày một già hơn. Có thể chỉ vì những phong tục hay quy tắc xưa mà họ cảm thấy không hài lòng đôi điều với cách sống của bạn mà bạn chê họ lạc hậu. Xin hãy nhớ lại một chút. Ngày xưa, khi bạn còn chập chững học những điều nhỏ dù rất dễ nhưng lại sai lên sai xuống, cha mẹ đã chỉ dạy bạn tận tình, chỉ rõ cách làm mọi thứ với tình yêu thương vô hạn.
Thế nhưng đừng vì ý nghĩ ấy mà thốt ra những lời dễ gây tổn thương cho bố mẹ già. Khi bạn nói với họ những lời này, bạn đã đặt cuộc sống của cha mẹ lùi thật sâu vào quá khứ và không còn mối liên hệ với cuộc sống của bạn nữa. Cha mẹ già sẽ cảm thấy điều ấy!
Bởi thế, thay vì thốt ra lời tổn thương, hãy giải thích cho cha mẹ bạn về những việc mà bạn làm phù hợp với cuộc sống hiện tại hay kể những câu chuyện mang xu hướng của đời sống hiện nay cho họ nghe. Điều này không những để họ có thể hiểu được phong cách sống của bạn mà còn khiến họ vui lòng và hạnh phúc khi thấy bạn trưởng thành hơn.
"Biết rồi! Con biết rồi, khổ lắm nói mãi"/"Mẹ chẳng hiểu con gì cả!Thôi đừng nói chuyện nữa!"
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng bạn lớn rồi, bạn biết suy nghĩ và biết bản thân đang làm gì chứ không cần cha mẹ suốt ngày căn dặn, chỉ bảo, răn dạy dài dòng như một đứa con nít. Nhưng bạn có biết rằng có thể bạn đã lớn nhưng suy nghĩ và việc làm của bạn còn chưa thấu đáo, chưa cẩn trọng. Bạn không biết rằng khi cha mẹ "dài dòng" với bạn như vậy có nghĩa là họ quan tâm yêu thương bạn biết nhường nào hay không?
Bạn luôn muốn cha mẹ hiểu mình, nhưng chẳng bao giờ tự hỏi rằng bạn có thực sự hiểu hết cha mẹ không. Bạn có biết hay đã bao giờ tìm hiểu về những tâm tư, tâm sự hay những khó khăn của cha mẹ bạn chưa? Tính ích kỷ chưa bao giờ là tốt cả. Hãy sửa cái tính ích kỷ đấy của bạn, thường xuyên tâm sự với cha mẹ, kể nhiều hơn về bản thân và tìm hiểu những tâm tư của cha mẹ qua mỗi cuộc nói chuyện. Qua đó, cả hai bên đều trở nên hiểu nhau hơn, tình cảm gia đình thêm bền vững.
"Đã nói mẹ bao nhiêu lần rồi là đừng có làm, đã làm không được rồi mà còn cứ làm."
Khi cha mẹ bạn còn trẻ, họ đã từng làm rất nhiều việc. Bởi vậy khi họ cố gắng làm những việc mà thực tế họ không còn đủ sức lực để làm tất cả những việc đó, bạn lo lắng nên ngăn lại. Có điều bạn nên biết lựa lời nói cho phù hợp, đừng vô tình khiến họ trở nên tổn thương vì họ nghĩ họ vô dụng.
"Con lớn rồi! Mẹ không cần phải quan tâm quá".
Bạn nghĩ bạn đã lớn rồi, bạn đã đi làm và có thể tự chăm lo cho bản thân mình nhưng tại sao bạn lại có những phát ngôn như vậy đối với cha mẹ bạn. Đối với họ, bạn vẫn là một đứa con cần sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ đấy.
Tôi tin rằng bạn đã từng đọc câu thơ này: "Con dù lớn vẫn là con của mẹ đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con". Hãy thể hiện với cha mẹ bạn là một đứa con trưởng thành bằng hành động, bằng cách đối nhân xử thế như người lớn chứ không phải bằng những lời nói rỗng tuếch và con nít như vậy nhé.
Được rồi, con biết rồi
Cha mẹ "dài dòng" suy cho cùng cũng vì lo nghĩ cho ta. Đừng vô tâm "con biết rồi" để phũ phàng chấm dứt câu chuyện. Cha mẹ hỏi nhiều về cuộc sống, tương lai, sự nghiệp không phải vì tọc mạch như thiên hạ, mà lo lắng quá đỗi cho ta. Chuyện gì cũng vậy, hôm nay ta lo một, nhưng cha mẹ lo mười. Cha mẹ mang nặng 9 tháng 10 ngày mới sinh ra ta, cả đời nhịn nhục chịu khổ mới nuôi ta khôn lớn.
Làm con đừng nghĩ lời cha mẹ nói là thừa thãi. Bởi duyên phận giữa cha mẹ và con cái vốn mỏng manh. Hôm nay cha mẹ "dài dòng", nhưng biết đâu được, mai này họ không còn trên cõi đời để khuyên nhủ và dạy bảo ta nữa. Thay vì nói "con biết rồi", hãy lắng nghe và trả lời "con cảm ơn bố mẹ".
Con có nói bố/ mẹ cũng không hiểu, đừng hỏi nữa
Cả đời cha mẹ cần kiệm, chịu đưng gian truân vất vả, cũng chỉ mong mỏi con cái thành người. Khi thấy cha mẹ vì cần kiệm mà xem nhẹ sức khỏe, hãy nên góp ý chân tình. Khi được cha mẹ khuyên bảo, dù nặng lời, hãy nói câu cảm ơn. Bởi cha mẹ làm gì cũng đều muốn tốt cho ta. Thay vì "nhảy dựng", phủ nhận ân huệ vô giá này, hãy biết trân trọng và hưởng thụ yêu thương.
Khi cha mẹ hỏi han, dù là chuyện ta đang phiền lòng thế nào, cũng đừng nói: "Có nói bố/ mẹ cũng không hiểu, đừng hỏi nữa". Cha mẹ có quan tâm, lo lắng mới thăm hỏi. Trên đời này, tri kỷ cùng bạn đồng sinh ra tử, hay người bạn thề nguyền thương yêu, cũng không quan trọng bằng cha mẹ.
Tình yêu của cha mẹ vốn dĩ không bờ, không bến. Dù cha mẹ không thể giúp gì ta, thậm chí ta không muốn để họ lo lắng, cũng đừng buông câu nặng nhẹ. Phận làm con đừng để cha mẹ cảm thấy mình là người vô dụng.
Những hành động gây tổn thương cho cha mẹ già
1. Bạn không gọi hỏi thăm cha mẹ nhiều
Bạn nhận ra rằng những cuộc gọi để hỏi thăm cha mẹ và chia sẻ những gì đang xảy ra trong cuộc sống của bạn ngày càng thưa dần. Có thể bạn nghĩ rằng cha mẹ có thể gọi cho mình bất cứ khi nào cơ mà. Có điều cha mẹ không biết lịch trình của bạn, họ không muốn làm gián đoạn công việc của bạn. Hoặc họ không muốn vấn đề của họ làm ảnh hưởng đến bạn.
Tuy nhiên, cha mẹ muốn được bạn quan tâm. Thỉnh thoảng bạn cần phải chủ động gọi cho họ, thậm chí bạn chỉ cần gọi một cuộc gọi ngắn hỏi thăm sức khỏe của cha mẹ. Hãy hỏi thăm xem cha mẹ đã làm những gì hôm nay và chia sẻ những việc bạn làm trong ngày.
2. Xin tiền cha mẹ
Một số người chỉ gọi cho cha mẹ khi họ cần tiền. Đừng làm điều đó. Trên thực tế, bạn không nên xin cha mẹ tiền nữa. Bạn đã là một người trưởng thành và có khả năng tự chu cấp bản thân và gia đình. Cha mẹ của bạn đã làm việc chăm chỉ và họ xứng đáng để giữ lại số tiền đó cho nhu cầu sau này.
3. Bạn quên sinh nhật của cha mẹ
Cha mẹ rất mong bạn nhớ đến ngày đặc biệt của họ. Bạn không cần phải tổ chức một lễ mừng thọ tốn kém, bạn chỉ cần nhớ đến ngày đó thôi. Bạn có vui khi nhận được một món quà từ cha mẹ không? Cha mẹ bạn cũng vậy đấy. Hãy tìm hiểu về những thứ mà cha mẹ thích. Bạn có thể đưa cha mẹ đi ăn ở một nhà hàng yêu thích của họ. Nếu bạn không có tiền để mua một một món quà, bạn có thể gửi cha mẹ một tấm bưu thiếp. Một cuộc điện thoại cũng được.
4. Bạn không giúp đỡ cha mẹ
Bạn có thể nghĩ rằng mình sẽ giúp đỡ cha mẹ bất cứ điều gì, nhưng cha mẹ chẳng chịu nói. Có thể do cha mẹ lo bạn quá bận rộn. Làm thế nào để biết rằng cha mẹ đang cần bạn giúp đỡ? Chỉ cần quan tâm đến là bạn sẽ biết thôi.
5. Bạn không mời cha mẹ đến những sự kiện trọng đại
Cha mẹ không thể đến tất cả những sự kiện, nhưng với những sự kiện trọng đại, bạn hãy mời họ. Họ muốn là một phần của những dịp đặc biệt, như các bữa tối trong ngày lễ, chương trình văn nghệ có cháu của họ tham gia, đám cưới hay một kỳ nghỉ. Hãy để họ được ở bên bạn và gia đình. Đôi khi chỉ cần một lời mời cha mẹ đến ăn tối vào ngày chủ nhật đã làm cha mẹ vui và hạnh phúc lắm rồi. Nếu cha mẹ mời bạn và gia đình đến ăn tối, hãy có mặt từ rất sớm để giúp họ chuẩn bị.
Theo GĐXH