Lễ hội Đền Hùng – diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch hằng năm – là dịp trọng đại để con cháu Lạc Hồng từ khắp mọi miền đất nước hướng về cội nguồn, tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước. Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương rơi vào ngày 18/4/2025 dương lịch, và dự kiến sẽ thu hút hàng triệu lượt người dân, du khách hành hương về khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.
 |
Ảnh minh hoạ |
Để có một chuyến đi an toàn, thuận tiện và ý nghĩa, dưới đây là cẩm nang đầy đủ dành cho bạn khi tham gia lễ hội Đền Hùng năm nay.
Phương tiện đến Đền Hùng
- Đền Hùng cách trung tâm Hà Nội khoảng 90km, trường hợp gia đình có xe ô tô riêng, việc đi lại khá thoải mái, bãi đỗ xe ở đây rộng rãi, giá gửi xe không quá cao.
Khi sử dụng xe riêng, có hai hướng lên Đền Hùng như sau:
1/ Đi theo quốc lộ 32 qua cầu Trung Hà khi tới cầu Phong Châu thì tiếp tục đi thẳng là tới đền Hùng.
2/ + Xuất phát theo quốc lộ 2 qua Vĩnh Phúc thì bạn chạy xe tới cầu Việt Trì. Qua trung tâm thành phố rẽ trái chừng 10km nữa là tới đền Hùng.
Trường hợp bắt xe khách, du khách có thể ra bến xe Mỹ Đình, giá vé dao động từ 70 nghìn đồng - 100 nghìn đồng tùy loại xe.
Một số khung giờ xe khách chạy:
- Xe Mạnh Nga Tuyến Hà Nội – Phú Thọ: Xe chất lượng cao. Hà Nội xuất phát tại bến xe Mỹ Đình lúc 8h15 và 18h10. Xuất phát Phú Thọ lúc 4h20 và 14h10.
- Xe Hải Thường Tuyến Hà Nội – Thanh Sơn (Phú Thọ): Sáng Tân Minh đi 5h. Thanh Sơn đi 6h. Mỹ Đình về 10h15 – Chiều Văn Miếu đi 13h10. Thanh Sơn đi 13h40. Mỹ Đình về 17h30.
- Xe Hiếu Nghĩa Tuyến Hà Nội - Phú Thọ: Xe chất lượng cao. Ra vào Hà Nội tại bến xe Mỹ Đình. Phú Thọ đi 9h – Hà Nội về 16h.
Giá vé thăm quan:
- Giá vé vào bảo tàng 15. 000 đồng/khách.
- Vé lên các Đền 10.000 đồng/ khách.
- Giá vé xe điện 50.000 đồng/ khách.
Khu di tích Đền Hùng có sẵn dịch vụ vận chuyển bằng xe điện từ các bãi xe đến cổng Đền Hùng và các địa điểm khác trong quần thể. Giá dịch vụ khá hợp lý, nếu đi đông người các bạn cũng có thể thuê nguyên chuyến xe để chủ động hơn trong việc di chuyển.
 |
Ảnh minh hoạ |
Khám phá các địa điểm du lịch tham quan tại Đền Hùng
Đặt chân đến đền Hùng du khách sẽ được tham quan rất nhiều địa điểm đẹp như:
Đền Hạ: Du khách nên bỏ túi ngay địa điểm này đầu tiên trong cuốn sổ tay kinh nghiệm du lịch của mình khi đến Đền Hùng. Bước chân qua cổng, Đền Hạ sẽ hiện lên trước mắt bạn với dáng vẻ vô cùng uy nghiêm, hoành tráng. Theo truyền thuyết để lại, Mẹ Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng ở đây. Vết tích “mắt rồng” – nơi Mẹ ấp trứng hiện vẫn còn ở ngay sau Đền.
Đền Trung: Hùng Vương Tổ Miếu hay còn được gọi là Đền Trung được xây dựng vào đời Lý - Trần . Theo người dân ở đây kể lại, thì đây chính là nơi họp bàn việc nước của các Vua Hùng cùng Lạc Hầu, Lạc Tướng. Cũng chính tại nơi đây, Vua Hùng Vương đời thứ 6 đã nhường ngôi cho hoàng tử Lang Liêu – người đã có công tạo ra món bánh trưng, bánh dày tượng trưng cho Trời và Đất - truyền thống của dân tộc.
Đền Thượng: Điểm đến tham quan nổi tiếng tại Đền Hùng tiếp theo là Đền Thượng. Đền Thượng có tên chữ là Kính thiên lĩnh điện, đến thế kỉ XV đền được xây dựng quy mô. Đền được đặt trên đỉnh núi Hùng và hưởng trọn sự mát mẻ từ những cơn gió. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay về cõi trời, Vua Hùng đã cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi để tưởng nhớ công ơn và lòng cảm tạ của mình. Đền Thượng được xây dựng theo kết cấu hình chữ Vương được xây dựng 4 cấp: Nhà chuông trống, Đại bái , Tiền tế và Hậu cung, nhằm bộc lộ rõ hết được cái vẻ uy nghiêm của một vị vua. Với lối kiến trúc khá đơn giản, không trạm trổ quá nhiều, không màu mè hay cột kèo mà chủ yếu làm toát lên sự tinh tế, nghiêm trang của nơi này.
Nhà Bia: Đi sâu thêm nữa chính là đến Nhà Bia. Nơi đây có thiết kế kiến trúc rất độc đáo. Bên trong Nhà bia có đặt tấm bia ghi lại việc tu sửa đường lên núi nhưng do sự mài mòn của thời gian, chúng đã bị mất đi hiện trạng ban đầu.
Đền Giếng: Đền Giếng hay còn gọi với cái tên mỹ miều hơn là Ngọc Tỉnh. Công chúa Ngọc Hoa và công chúa Tiên Dung khi theo cha đi kinh lý thường ghé nghỉ chân lại đây để soi gương, vấn tóc, chỉnh lại dung mạo sao cho luôn giữ được vẻ kiều diễm.
Đầm Ao Châu: Có diện tích khoảng 2 km2 mặt nước, gồm 100 hòn đảo lớn nhỏ nằm tại huyện Hạ Hòa. Đây là nơi có hệ động, thực vật vô cùng phong phú và có một bầu không khí trong lành và yên bình.
Vườn quốc gia Xuân Sơn: Nằm tại huyện Thanh Sơn có diện tích lên tới 18.369 ha. Nơi đây nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, cùng hệ sinh thái phong phú đa dạng. Tới đây bạn sẽ được tận mắt thấy những loài thực vật với số lượng lớn và đẹp như cây rau sắng, dẻ, mộc lan…
Suối Tiên: Tập trung hơn 10 thác nước lớn, nhỏ và những bãi đá cuội với đầy màu sắc tất cả đã hòa quyện vào nhau tạo nên một khung cảnh hữu tình. Nơi đây cũng thu hút được rất nhiều khách du lịch khi đặt chân đến tới huyện Hạ Hòa.
Khi đến Phú Thọ đi giỗ Tổ, du khách đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng đất này như thịt chua, bánh tai, trám om kho cá, cọ ỏm,
Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là dịp để mỗi người dân Việt tưởng nhớ công ơn dựng nước của cha ông mà còn là hành trình tâm linh, gắn kết cộng đồng, hướng về cội nguồn dân tộc. Chuẩn bị chu đáo và hành xử văn minh trong suốt chuyến đi sẽ giúp du khách có một mùa lễ hội trọn vẹn, an lành và đầy cảm xúc.
“Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba” – Hãy cùng nhau gìn giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa này.
Vân Giang (Tổng hợp)