Những lưu ý khi tham gia Lễ hội Đền Hùng, tránh say nắng, say nóng

Google News

Để chủ động phòng chống tác hại của nắng, nóng đối với sức khỏe, khi tham gia hành hương về Đền Hùng, người dân cần thực hiện một số biện pháp.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn năm 2024 diễn ra từ ngày 09/4 đến hết ngày 18/4 (tức từ mùng 01/3 đến hết mùng 10/3) với nhiều hoạt động đậm nét văn hóa Đất Tổ đang thu hút hàng nghìn lượt du khách thập phương về dâng hương.
Các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024, thời tiết nắng nóng xuất hiện tại các tỉnh Bắc Bộ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nguy cơ say nóng, say nắng, mất ATVSTP có thể xảy ra.
Nhung luu y khi tham gia Le hoi Den Hung, tranh say nang, say nong
Cách phòng tránh say nắng, say nóng khi tham gia Lễ hội Đền Hùng.
Để chủ động phòng chống tác hại của nắng, nóng đối với sức khỏe, khi tham gia hành hương về Đền Hùng, người dân cần thực hiện một số biện pháp sau:
Trước khi đến Lễ hội, người dân nên chuẩn bị đồ dùng cần thiết như đi giầy thể thao, mang theo mũ, nón, chuẩn bị sẵn nước lọc để uống khi leo Đền, mang theo áo mưa mỏng nhẹ phòng trường hợp trời mưa.
Người dân nên mang ít đồ dùng theo vì khi leo Đền sẽ mất nhiều sức. Bên cạnh đó người dân nên tìm hiểu trước về địa điểm tổ chức sự kiện, thông tin về buổi hành hương, tuyến đường đi, số điện thoại của Ban Quản lý Lễ hội để có biện pháp xử lý khi gặp tình huống sức khỏe không tốt.
Người dân có thể tải app Đền Hùng để biết thêm thông tin về lễ hội đền Hùng. Trong App Đền Hùng có đầy đủ thông tin về lưu ý du khách chuẩn bị hành trang, nơi lưu trú, hay lịch trình dâng hương, các tuyến đường đi và có cả số điện thoại liên lạc của Ban Tổ chức để nếu có sự cố về sức khỏe hay bất kỳ sự cố gì, du khách có thể liên lạc để được trợ giúp.
Khi đến hành hương tại Lễ hội Đền Hùng, để đảm bảo sức khỏe và tránh tình trạng chen chúc xảy ra, người dân nên đi theo sắp xếp của Ban Tổ chức; không nên xô đẩy, chen lấn lên phía trước, hay đi ngược lại với dòng người hành hương.

Đối với những người có sức khỏe yếu đến tham dự Lễ hội, nếu sức khỏe không đảm bảo chỉ nên đứng từ xa vái vọng, không nên mang quá nhiều lễ vật cồng kềnh. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.


Thúy Nga