Trong ngày Tết, không ai muốn đi viện và uống thuốc song kỳ nghỉ dài kéo dài kéo theo những bữa tiệc, ăn nhậu không tránh được những sự cố không mong muốn. Khi có các biểu hiện nặng, bạn buộc phải đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế.
|
Ảnh minh họa. |
Ngộ độc rượu
PGS.TS.BS Bùi Quang Huy, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện 103) cho biết, khi một người bắt đầu có phản xạ buồn nôn, mất kiểm soát, mất phối hợp động tác, nói năng linh tinh, có thể gọi là say rượu, thực chất là ngộ độc rượu.
Theo lý giải của chuyên gia, khi rượu vào máu, thời gian phân hủy là 2 giờ, cứ sau mỗi 2 giờ, nồng độ rượu trong máu giảm đi một nửa. Chúng thải ra bằng các cách chuyển hóa hết ở gan, hô hấp hoặc nước tiểu (10% nguyên vẹn qua nước tiểu).
Do đó, cách xử lý ngộ độc rượu là móc họng nôn và uống nước lọc, nếu cảm thấy khó, có thể pha nước chè, nước đường cho dễ uống nhằm thải hết nồng độ cồn qua đường nước tiểu.
Tuy nhiên, loại rượu gây ngộ độc nguy hiểm hơn cả là rượu chứa methanol - cồn công nghiệp. Nó có thể gây hôn mê, tụt huyết áp, mù mắt, trụy mạch, chết người. Do đó, khi uống rượu, gặp các triệu chứng như đau lưng, thân mình, cứng gáy (giống xuất huyết màng não), cứng cơ, da có thể lạnh, vã mồ hôi, viêm dạ dày xuất huyết, viêm tụy cấp, biểu hiện đau thượng vị, nôn, ỉa chảy, hội chứng Parkinson, thiếu hụt nhận thức, viêm tủy cắt ngang và giả liệt vận nhãn… cần phải đưa vào viện cấp cứu ngay lập tức.
Ngộ độc thực phẩm
Đây là ngộ độc phổ biến thứ 2 trong dịp Tết. Về điều này, thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn - Trưởng khoa Đông y - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo, trước hết, cần phải loại trừ chất độc ra khỏi cơ thể cho người bị ngộ độc càng sớm càng tốt, nhất là mới bị sau bữa ăn 1-2 giờ bằng các biện pháp như: lấy muối ăn 1 thìa canh (25 g) sao qua, pha vào một bát nước sôi cho uống 3 lần, mỗi lần cách nhau chừng 10 phút, hoặc dùng lông gà (rửa sạch bằng nước muối) đưa vào gần cuống họng, bệnh nhân sẽ nôn ngay hoặc dùng ngón tay ngoáy họng cũng có hiệu quả.
Sau đó, cho uống nước trà đường nóng để bù nước, cầm đi lỏng, phân giải hòa loãng chất độc. Có thể dùng nước sắc lá sim, lá ổi, núm hoa chuối tiêu, vỏ măng cụt… sao vàng sắc đặc cho uống.
Ngộ độc nấm
Vẫn theo bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, khi bị ngộ độc nấm, bệnh nhân cũng cần được gây nôn để thải hết thức ăn. Sau đó, dùng một trong những bài thuốc như:
- Mộc nhĩ đen hoặc nấm hương 25-40 g sắc 3 lần, mỗi lần lấy 200 ml, uống 3 lần. Nên dùng nấm hương bởi hiệu quả của nấm hương cao hơn mộc nhĩ.
- Đậu xanh 200 g (chừng 1 bát), đem tán nhỏ, nấu đặc lấy nước uống hoặc cho vào một ít gạo nếp nấu thành cháo ăn.
- Rau khoai lang sống 50 ngọn, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống.
- Óc thỏ 5 cái và dạ dày thỏ 2 cái, làm sạch, thái nhỏ rồi trộn đường ăn sống.
Ngộ độc hải sản
Tương tư, ngộ độc cá, tôm, sò… dùng lá tía tô tươi 50 g sắc với 3 bát nước lấy 1 bát uống trong ngày. Ngộ độc cá nóc dùng ngọn khoai lang 50-6 0g, muối ăn 6 g, hai thứ đem giã lẫn, vắt lấy 1 bát nước uống trong ngày.
Trước đó, bệnh nhân cần được gây nôn và tránh xa các món gây ngộ độc. Tăng cường bù nước.
Ngộ độc thuốc
Tất cả các loại thuốc khi ngộ độc sau động tác gây nôn có thể dùng nước cốt rau muống 150 ml hoặc sắc nước củ khúc khắc (thổ phục linh) 200 ml uống. Riêng ngộ độc thuốc phiện đốt 100 g bông gòn pha với nước uống; ngộ độc mã tiền dùng cạo rỉ sắt 100 g giã nhỏ hòa với nước sôi gạn trong uống; ngộ độc cà độc dược dùng vỏ đậu xanh 160 g, liên kiều 40 g, kim ngân hoa 80 g, cam thảo 20 g sắc với 2 lít nước còn 200 ml, cách 2 giờ uống 1 lần; ngộ độc lá ngón cho uống thật nhiều nước cam thảo; ngộ độc thạch tín dùng bột xuyên tiêu (sao) 100g, sáp ong vừa đủ luyện thành viên, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 12 g; ngộ độc thuốc trừ sâu dùng nước chanh hoặc nước mắm uống…
Theo Zing