Thông tin trên trang web của Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn cho hay, kiến ba khoang tên khoa học là Paederus fuscipes curtis (Staphylinidae, Coleoptera).
Loài côn trùng này có thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1 - 1,2cm, ngang 2 - 3mm), có hai màu đỏ và đen, nhìn giống con kiến; do đó, người ta hay gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong…
Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng,...Kiến xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho chúng phát triển.
|
Ảnh minh họa. |
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong cơ thể kiến ba khoang chứa pederin, có độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc độc của rắn hổ mang, tuy nhiên do lượng tiếp xúc thường rất nhỏ và chỉ ở bên ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc độc của rắn.
Dù vậy, kiến ba khoang thường gây tổn thương ở các vùng da như cổ, mặt, lưng, tay, chân... mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo độc chất xâm nhập qua da.
Để xua đuổi kiến ba khoang, không cho loài côn trùng này xuất hiện trong nhà, người dân có thể áp dụng một số biện pháp, chẳng hạn như dùng sả.
Cách xua đuổi kiến ba khoang bằng sả
Kiến ba khoang rất "ghét" mùi sả, do đó bạn nên để vài chậu sả nhỏ ở bệ cửa sổ, các góc nhà, cạnh chân tủ,... để chúng không vào nhà.
Được biết, trong sả có chứa citronella, một loại dầu tự nhiên thường được tìm thấy trong các loại nến đuổi côn trùng.
Bạn cũng có thể dùng tinh dầu sả để xông trong nhà giúp đuổi kiến, pha loãng tinh dầu với nước để xịt lên quần áo, chăn màn, dùng để lau sàn,... làm kiến "chán ghét" nhà bạn vì mùi sả và không xuất hiện nữa.
|
Ảnh minh họa. |
Ngoài ra, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, nếu kiến ba khoang xuất hiện, bạn nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng trong nhà, nếu thấy kiến ba khoang xuất hiện ở dưới ánh đèn, cần tránh và đứng xa chúng.
- Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào;
- Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này;
- Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng.
- Ban đêm tắt bớt các bóng đèn không cần thiết;
- Trước khi ngủ cần quét lại nhà để sạch nền nhà và mắc màn ngủ tránh côn trùng có điều kiện tiếp xúc.
- Với mật độ kiến ba khoang nhiều, phun thuốc diệt kiến ba khoang tồn lưu trên vách tường trong và ngoài nhà có tác dụng xua và diệt chúng.
- Làm bẫy để dụ kiến ra khỏi nhà bằng cách: Bật đèn hành lang rồi để một thau nước trong suốt bên dưới. Khi thấy ánh đèn phản chiếu dưới thau nước, kiến sẽ bò tới và không thoát ra được.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Cảnh báo nguy cơ dịch sốt xuất huyết lan rộng
P.V (Tổng hợp)