Những ngày gần đây, từ khóa “kiến ba khoang” luôn có lượt tìm kiếm cao trên Weibo (Trung Quốc). Đặc biệt, lời cảnh báo: Tắt đèn dùng điện thoại “khiêu khích” kiến ba khoang của một tài khoản càng khiến mọi người đổ dồn sự quan tâm đến loài vật này.
Chủ nhân của tài khoản là một cô gái. Đêm đó nằm trên giường, cô tắt đèn rồi dùng điện thoại. Được một lúc, cô phát hiện “vật thể lạ” trên mặt, nhìn kĩ hóa ra là kiến ba khoang đang di chuyển.
Biết được sự nguy hiểm của loài vật này, cô không dám đập mạnh mà chỉ đẩy nhẹ đuổi đi. Dù rất cẩn thận nhưng da mặt cô gái vẫn bị sưng đỏ, đau nhức.
|
Tắt đèn dùng điện thoại, ánh sáng từ màn hình điện thoại có thể "dụ" kiến ba khoang. |
Chuyên gia từng nhiều lần cảnh báo sự nguy hiểm của kiến ba khoang đối với sức khỏe người. Được biết, thân kiến ba khoang hình thon, dài như hạt thóc (dài khoảng 0,7 - 1cm, ngang 2 - 5mm), có 3 đôi chân, bụng có đốt, thon nhọn về đuôi. Cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.
Kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao. Đặc biệt, chúng rất nhạy cảm với ánh sáng.
Ban đêm, nếu chúng ta tắt đèn sử dụng điện thoại, ánh sáng từ màn hình sẽ “thu hút” kiến ba khoang. Điều nguy hiểm là màn hình điện thoại khá gần với các vùng nhạy cảm như mặt, mắt, miệng... Chỉ cần một lượng nhỏ dịch từ kiến cũng có thể gây nên những tổn thương nghiêm trọng.
Cụ thể, bạn sẽ đối diện với tình trạng viêm da, phồng rộp, đau loét. Trường hợp nặng, da có thể xuất hiện các vết loét màu trắng hoặc hơi vàng. Nếu dùng tay gãi, nó sẽ lan ra những vùng da xung quanh. Ngay cả khi vết loét lành, nó vẫn có thể để lại sẹo xấu xí.
Để ngăn ngừa, nếu có sự hiện diện của kiến ba khoang trong khu vực, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang.
Nên lắp đặt cửa lưới để ngăn côn trùng, kiến ba khoang bay vào nhà. Vào mùa hè, bạn có thể phun thuốc diệt côn trùng như Kaisulin hoặc Fenduna. Những loại thuốc này mang lại hiệu quả trong vòng 2-3 tháng. Khi ngủ, tránh mở cửa sổ và bật đèn. Ánh sáng sẽ thu hút kiến ba khoang và các loại côn trùng tìm tới.
Khi gặp kiến ba khoang, tuyệt đối không dùng tay vỗ hay di nát khiến độc tố được giải phóng. Nếu kiến bò lên người, bạn cần sớm rửa bằng nước sạch và xà phòng dịu nhẹ. Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da, bạn nên rửa và trung hòa chất độc bằng nước amoniac 10%, dung dịch natri bicarbonat 4%. Nếu tiếp xúc toàn thân, bạn nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ, kê thuốc kháng histamine hoặc kháng sinh phù hợp.
Mời độc giả xem thêm video: Cảnh báo viêm da nặng do kiến ba khoang (Nguồn video: THĐT)
Định Tâm (Theo SH)