Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó Phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết đã năm ngày hiện tượng sương mù khô xuất hiện dày đặc cả khu vực Nam bộ (TP.HCM, Cà Mau, Kiên Giang, Cam Ranh…), gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tầm nhìn giao thông đường bộ lẫn đường thủy.
Hậu quả là các bộ phận phải tiếp xúc nhiều với nó như da, mắt, mũi, họng, khí phế quản… dễ bị viêm nhiễm. Đặc biệt là trẻ em, sức đề kháng chưa cao nên nguy cơ bệnh càng lớn hơn.
Sương mù khô nhiều bụi và độc
|
Tỉ trọng bụi nặng, gây độc hại |
Theo bác sĩ Phan Quốc Bảo, khoa tai mũi họng BV Đại học Y dược TP.HCM, các bộ phận trên cơ thể phải tiếp xúc nhiều với sương mù khô dễ viêm nhiễm cấp tính như viêm da dị ứng, viêm kết- giác mạc mắt, viêm mũi cấp, viêm hô hấp trên cấp, viêm phổi cấp, hen suyễn…
Nếu tình trạng 'mù khô' càng kéo dài, tất nhiên cơ thể phải hứng chịu một lượng ô nhiễm tăng lên, các bệnh nói trên sẽ nặng hơn, kéo dài hơn, khả năng tác hại cho cơ thể rộng hơn. Ví dụ từ viêm mũi sẽ nặng lên thành viêm xoang, từ viêm họng sẽ nhiễm trùng xa hơn gây viêm thanh quản hoặc viêm phổi... Đó là chưa kể việc hít thở không khí nhiễm bẩn lâu dài có thể làm các cơn hen phế quản xuất hiện thường xuyên và nặng hơn, hoặc có thể góp phần gây ung thư phổi...
Thành phần đáng nói trong loại ô nhiễm này chính là bụi. Vì không đủ gió để phát tán nên chúng cứ lo lửng với mật độ cao, gây ra hiện tượng "mù khô". Bụi này bao gồm bụi thải ra từ khí thải xe cộ, khói nhà máy, bụi tro các đám cháy lớn như cháy rừng... toàn các yếu tố độc hại cho con người.
Cơ chế gây hại của những hạt bụi này có thể là gây kích ứng dị ứng, hoặc bám dính thường xuyên trên da, mắt, niêm mạc, đường hô hấp nên sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn, vi nấm dễ tích tụ và sinh sôi nảy nở, gây nhiễm trùng các bộ phận cơ thể có liên quan.
Cũng theo bà Xuân Lan, sương mù thường xuất hiện trong mùa khô nhưng với hiện tượng "sương mù khô" này gây nguy hiểm nhiều hơn cho người dân bởi dư lượng khói bụi, kim loại nặng trong sương mù này rất cao. Khi hít thở những hạt bụi lớn sẽ vào khí quản, những hạt bụi mịn PM5- PM10 có kích thước một phần chục ngàn micrometer sẽ vào cuống phổi, gây ảnh hưởng đến tim và các bộ phận khác.
Không nên trữ nước mưa
Trong những ngày "sương mù khô" bao phủ này, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, bác sĩ Bảo lưu ý hạn chế ra đường nếu không thật cần thiết. Nếu phải đi thì đóng kín cửa xe hơi, hoặc mặc quần áo kín đáo, mang khẩu trang hợp chuẩn, mang kính che mắt...
Tắm rửa sạch sẽ, dùng các sản phẩm vệ sinh các bộ phận nhiễm bụi, ví dụ có thể dùng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để rửa mắt và xịt rửa mũi nhiều lần trong ngày. Uống đủ nước, ăn nhiều rau quả để cơ thể tăng khả năng thanh lọc cũng như tăng sức đề kháng với môi trường bất lợi cho sức khỏe. Vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, đồ chơi, làm thông thoáng môi trường sống.
Bên cạnh đó, theo bà Xuân Lan, nhiều người dân có thói quen trữ nước mưa trong mùa này. Tuy nhiên, mưa xuống sẽ cuốn theo những bụi bẩn trong không khí vào nước mưa. Chính vì vậy, trong thời gian này không nên sử dụng nước mưa trong sinh hoạt hằng ngày.
Khi tham gia giao thông vào thời gian nửa đêm đến sáng, cần cẩn thận hơn do lượng sương mù khô lúc này rất dày đặc sẽ hạn chế tầm nhìn (dưới 100m). Hệ thống kênh rạch khu vực Nam bộ rất nhiều, ngư dân ra sông biển cần hết sức lưu ý và có biện pháp bảo vệ an toàn.
Theo Tuổi trẻ