|
Cách chế biến bí ngô chữa bệnh đường hô hấp. Ảnh minh họa. |
Bí ngô (hay còn gọi là bí đỏ) được dùng để nấu canh ăn, nấu chè, nấu cháo... vừa ngon ngọt, vừa bổ dưỡng. Ngoài việc là thực phẩm, còn có thể dùng bí ngô chữa bệnh.
Theo y học cổ truyền, bí ngô có vị ngọt, tính ấm, không độc, chữa được các bệnh về đường hô hấp, tiết niệu, đau dây thần kinh, mất sữa...
Chữa hen suyễn: Bí ngô một quả khoảng 300 - 500g, đường phèn 30g, đường trắng 1 thìa, mật ong 1 chén con. Gọt vỏ quả bí ngô, khoét một lỗ nhỏ cho đường và mật ong vào, đậy kín nút, đun cách thủy. Khi bí chín nhừ thì chia làm nhiều bữa cho người bệnh ăn, ăn từ 3 - 5 ngày bệnh sẽ giảm.
Chữa viêm phổi tắc nghẽn: Bí ngô 400 - 500g, thịt bò 200g, gừng tươi 25g, nước 1,5 lít, gia vị vừa đủ. Cho thịt bò và gừng vào ninh trước, đun nhỏ lửa khoảng 30 phút, cho tiếp bí ngô vào ninh nhừ, nêm gia vị vừa đủ, chia làm 2 - 3 bữa ăn trong ngày. Món này ăn vào sẽ thấy nhẹ nhõm, có tác dụng tiêu đờm, dễ thở, thông khí, bổ phế. Ngoài ra, còn chữa được đau đầu và chống viêm, tốt cho người bị ho kéo dài có nhiều đờm. Cần ăn trong 3 ngày liền.
Bí ngô chữa phù thũng, tiểu tiện khó khăn: Lấy cuống quả bí ngô đốt đen toàn tính (ngoài đen, trong vẫn giữ được đầy đủ các thành phần), đem nghiền nát thành bột uống dần, mỗi lần uống 3g chia làm 3 lần với nước ấm. Bột cuống bí ngô còn có tác dụng phòng sảy thai, uống ngày từ 3 - 5g, chia làm 2 lần.
Chữa tắc tia sữa: Phụ nữ đang cho con bú đột nhiên thấy bầu vú đỏ, đau nhức, sưng nóng và căng tức, vắt sữa không ra, kèm theo có sốt, mệt mỏi thì lấy một nắm dây bí đỏ sắc lên, cho vài hạt muối uống trong ngày, khi nào thấy bầu vú mềm, sữa chảy ra thì thôi.
BSCK I Kim Lan (nguyên cán bộ Viện Châm cứu T.Ư)