Một số loại rau thủy sinh như: Rau muống, rau cần, rau cải xoong, rau rút, ngó sen.. thường chứa ấu trùng giun sán... nếu phát triển trong nguồn nước ô nhiễm. Ảnh: Secretsofnaturalhealth.
Theo các chuyên gia Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, sán lá ruột là loại sán nhỏ ký sinh trong ruột người và một số loại gia súc, đặc biệt là lợn. Sán lá ruột ký sinh trong ruột lợn và đẻ trứng. Trứng sán theo phân ra ngoài làm nhiễm bẩn các nguồn nước.
Sau một thời gian, ấu trùng hình thành, phát triển trong trứng và phá vỡ vỏ trứng ra ngoài tìm ốc để ký sinh. Sau khi ký sinh vào ốc, ấu trùng tiếp tục phát triển thành ấu trùng có đuôi. Lúc này chúng lại bỏ ốc, sống bám vào một số cây thủy sinh như bèo, ngó sen, củ niễng… và các thực vật mọc dưới nước.
Con người khi ăn phải các loại rau củ thủy sinh đã bị nhiễm sán này có thể dẫn đến bệnh sán lá ruột.
Các loại rau thường chứa nhiều ấu trùng sán
Rau cần
Rau cần gồm có hai loại: Rau cần cạn trồng ở ruộng và rau cần nước được trồng ở các ao, vùng nước nông. Loại cần trồng dưới nước thường chứa nhiều giun sán hơn loại cần trồng trên cạn. Trước khi ăn, bạn phải rửa rau thật sạch, ngâm với nước muối và nấu chín kỹ.
Rau muống nước
Rau muống nước ăn giòn, ngọt và đậm hơn rau muống cạn. Chính vì thế, loại rau thủy sinh này được người Việt ưa chuộng và tiêu thụ mạnh.
Rau muống dễ nhiễm sán lá ruột nếu trồng trong nước bẩn. Ảnh: Shuttersock.
Tuy nhiên, rau muống khi trồng dưới nước bẩn chứa rất nhiều giun sán. Bên cạnh đó, không ít trường hợp người trồng rau sử dụng hóa chất kích thích cây tăng trưởng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Rau cải xoong
Rau cải xoong được biết là loại rau có hàm lượng vitamin, canxi, iod cao. Loại rau này có nhiều công dụng trong việc phòng và trị các bệnh về tim mạch, chống lão hóa, bướu cổ, tẩy độc, lợi tiểu. Ngoài ra, vì có nhiều chất xơ, rau cải xoong có tác dụng tốt với dạ dày, thông gan mật và góp phần làm giảm bệnh ứ máu….
Tuy nhiên, rau cải xoong có thể là "ổ chứa" giun sán nếu ở trong môi trường nước bị ô nhiễm nặng.
Ngó sen
Ngó sen là một món ăn bổ dưỡng vì chứa nhiều chất dinh dưỡng, canxi, photpho, sắt, vitamin C… Tuy nhiên, mọi người tuyệt đối không ăn ngó sen sống do chúng phát triển trong bùn, dưới đáy các hồ ao, đầm, đây là những nơi chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm.
Ngoài những bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa, ngó sen còn là nơi trú ẩn của nhiều ấu trùng sán lá ruột.
Dấu hiệu nhiễm sán lá ruột
Con người khi ăn các loại rau thủy sinh chưa nấu chín sẽ ăn theo cả ấu trùng sán lá vào ruột. Khi vào cơ thể, ấu trùng bám vào ruột non, ký sinh và trưởng thành. Thời gian từ lúc ấu trùng vào cơ thể đến khi trưởng thành khoảng 90 ngày.
Khi mắc sán, bệnh nhân có thể chỉ bị mệt mỏi, thiếu máu nhẹ, sức khỏe giảm sút… Nhưng khi bệnh toàn phát sẽ xuất hiện các triệu chứng đau bụng kèm theo tiêu chảy. Phân lỏng, không có máu nhưng nhầy, lẫn nhiều thức ăn không tiêu.
Ngoài ra, người mắc sán lá ruột thường đau bụng ở vùng hạ vị kèm theo tiêu chảy. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ chuyển biến nặng, cơ thể bị phù nề, tràn dịch ở nhiều nội tạng và thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Cách phòng bệnh sán lá ruột
Việc điều trị sán lá ruột không khó nếu được phát hiện và điều trị sớm. Muốn đề phòng bệnh này, bạn nên hạn chế ăn các loại rau thủy sinh chưa được nấu chín. Ngoài ra, mọi người không nên dùng phân tươi bón cây trồng, nhất là những cây trồng dưới nước.
Theo Kỳ Duyên/Znews