Phần lớn F0 nặng là người cao tuổi, nhiều bệnh nền
Bệnh viện Thanh Nhàn là "tuyến cuối" trong điều trị Covid-19 tại Hà Nội. Thời gian vừa qua, khi tình hình dịch tại Thủ đô leo thang, số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị cũng gia tăng nhanh.
Theo ThS.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, Bệnh viện Thanh Nhàn, gần đây, bệnh viện tiếp nhận điều trị thường xuyên trên 100 bệnh nhân Covid-19, đều là các bệnh nhân thuộc tầng 2 và tầng 3 trong hệ thống phân tầng điều trị.
|
ThS.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, Bệnh viện Thanh Nhàn. |
Hiện tại, có khoảng 120 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Trong số này, có khoảng 36 bệnh nhân thuộc tầng 3 (từ mức độ thở oxy cho đến phải can thiệp máy thở), trong đó có 8 bệnh nhân phải thở máy.
"Đa số các bệnh nhân trở nặng là người chưa tiêm vắc xin Covid-19, chỉ tiêm một mũi hoặc tiêm đủ 2 mũi nhưng chưa đủ thời gian để sinh kháng thể. Đại đa số các trường hợp nằm trong khoảng 80 - 90 tuổi. Các bệnh nhân cũng có rất nhiều bệnh lý nền. Do đó, khi bệnh nhân trở nặng gây ra nhiều khó khăn trong việc điều trị", BS Hường thông tin.
Hầu hết các bệnh nhân phải thở máy là người già có bệnh nền và chưa tiêm đủ liều vắc xin hoặc không tiêm vắc xin.
|
Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng (Ảnh minh họa). |
Một trong những ca bệnh nặng nhất đang điều trị tại bệnh viện là một bệnh nhân nam, 86 tuổi, có tiền sử bệnh lý nền tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, suy thận và chưa tiêm vắc xin Covid-19.
"Bệnh nhân được chuyển từ Sơn Tây xuống cách đây gần một tuần. Thời điểm vừa chuyển xuống, bệnh nhân đã suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản thở máy, hiện bệnh nhân đang phải lọc máu liên tục. Bệnh nhân có tình trạng bão Cytokines nhưng vì suy gan, suy thận nên không thể điều trị bằng thuốc kháng virus", BS Hường thông tin.
Từ thực tế nhiều bệnh nhân nặng là người cao tuổi chưa tiêm vắc xin Covid-19, chuyên gia này cũng khuyến cáo: "Nhiều gia đình có quan điểm bố mẹ già không đi đâu nên không cần tiêm vắc xin nhưng đó lại là suy nghĩ sai lầm. Nguồn lây cho người già thường là từ con cái đi ra ngoài tiếp xúc nhiều và mang mầm bệnh về. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 là rất cần thiết cho người cao tuổi, người có bệnh nền".
Nhiều trường hợp cả gia đình là F0
Từ thực tế tại bệnh viện, BS Hường nhận định, các F0 thường có tính chất lây nhiễm theo gia đình. Nhiều trường hợp một người mắc Covid-19 thì cả nhà cũng bị lây nhiễm.
"Trong đợt dịch mới này, chúng tôi ghi nhận sự gia tăng các trường hợp trẻ em mắc Covid-19, đa phần đều bị lây nhiễm trong gia đình. Tuy nhiên, đáng chú ý là các trẻ em khi mắc bệnh chưa ghi nhận trẻ bị nặng, không có diễn biến cần can thiệp về hô hấp. Tình trạng bệnh ở trẻ diễn biến tương tự như bệnh cúm thông thường. Trẻ thường chỉ bị ho, sốt trong 2 - 3 ngày đầu và sau đó bệnh qua đi rất nhanh", BS Hường nói.
Theo BS Hường, hiện tại các nhân viên y tế của bệnh viện đang làm việc với cường độ cao để đáp ứng với tình trạng số lượng F0 nhập viện gia tăng nhanh.
"Bệnh viện đang được tổ chức thành 3 vòng. Vòng lõi là lực lượng y, bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19; vòng tiếp theo là các bác sĩ trưởng khoa sẽ phụ trách từng khu vực; vòng ngoài, chúng tôi có tiểu ban chống dịch có thể kết nối hoặc giao ban trực tuyến, để khi bệnh nhân trở nặng sẽ có sự hội chẩn kịp thời, hoặc trong trường hợp cần thiết sẽ chuyển tuyến cho bệnh nhân", BS Hường cho hay.
Trong tình trạng F0 gia tăng nhanh, theo BS Hường, Bệnh viện Thanh Nhàn có sự điều phối nhân lực phù hợp theo từng cấp độ tầng. Đặc biệt ở tầng 3 đòi hỏi nhân lực lớn, vì khi chăm sóc các bệnh nhân thở máy phải có ca, kíp và nhân lực được đào tạo về hồi sức.
Theo Minh Nhật/Dân Trí